Trong một bức thư ngỏ đăng trên tạp chí Y khoa Lancet, các tác giả là chuyên gia sức khỏe cho biết việc tích trữ vaccine ở các nước giàu sẽ chỉ kéo dài tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Họ cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc vaccine" có thể khiến sáng kiến Covax nhằm đưa vaccine đến các nước thu nhập thấp và trung bình đối mặt với tình trạng thiếu hụt lớn trong vài năm tới.
Tác giả Olivier Wouters từ Trường Khoa học Kinh tế và Chính trị London cho biết thực tế rõ ràng là thế giới hiện cần nhiều vaccine Covid-19 hơn bất kỳ loại vaccine nào khác trong lịch sử để chủng ngừa đủ số người, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Theo tác giả, trừ khi loại hàng hóa này được phân phối công bằng hơn, có thể phải mất nhiều năm trước khi nCoV được kiểm soát ở cấp độ toàn cầu.
Mặc dù có hơn hai mươi loại vaccine Covid-19 đang được phát triển hoặc được chấp thuận sử dụng, các quốc gia có thu nhập thấp hơn vẫn đối mặt những thách thức lớn về hậu cần để mua sản phẩm chủng ngừa và cung cấp cho người dân.
Những khó khăn này bao gồm thiếu kinh phí để mua vaccine, cũng như cơ sở hạ tầng không đảm bảo để vận chuyển và lưu trữ, đặc biệt với vaccine theo công nghệ mRNA cần được giữ nhiệt độ rất thấp trong suốt quá trình giao hàng.
Mặc dù một số tiền khổng lồ ở cả khu vực công và tư được đổ vào phát triển và mua vaccine, sáng kiến Covax ước tính vẫn cần thêm 6,8 tỷ USD vào năm 2021 để đảm bảo nguồn cung cho 92 quốc gia nghèo và trung bình.
Dựa trên số liệu bán hàng có sẵn, các tác giả cho biết các quốc gia giàu có, với 16% dân số toàn cầu, đã mua 70% lượng vaccine hiện có - đủ để tiêm cho công dân của họ nhiều lần.
Đồng tác giả Mark Jit từ Trường vệ sinh và bệnh nhiệt đới London cho biết, theo cách này các quốc gia giàu sẽ có thể áp dụng việc tiêm chủng rộng rãi cho người dân của họ, trong khi việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và các nhóm có nguy cơ cao ở các nước nghèo lại rất khó khăn.
Bức thư kêu gọi các nhà sản xuất đẩy nhanh chuyển giao công nghệ cho các quốc gia đang phát triển để giúp họ sản xuất trong nước, cũng như kiểm soát giá cả đối với những vaccine Covid-19 đắt đỏ hiện nay.
Các tác giả cho biết vaccine do Trung Quốc, Ấn Độ và Nga phát triển, từng được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép, có thể giúp ích rất nhiều cho các quốc gia nghèo vì việc cung cấp và bảo quản chúng đơn giản hơn, so với các lựa chọn từ Mỹ hay châu Âu.
Bảo Châu (Theo AFP)