Nguyên do là Liên minh châu Âu (EU) và 5 nước đã đặt trước khoảng một nửa nguồn cung cấp vaccine dự kiến cho năm 2021.
Một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Duke, Carolina, đang theo dõi các giao dịch mua bán vaccine toàn cầu, ước tính có khoảng 6,4 tỷ liều đã được mua và 3,2 tỷ liều đang trong quá trình thương lượng. Đa số mũi tiêm được vận chuyển đến các nước giàu, nhóm nghiên cứu cho biết.
Andrea Taylor, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định những hợp đồng mua bán được ký kết và giới hạn vaccine sẽ được sản xuất trong những năm tới, mang ý nghĩa "những nước giàu sẽ có vaccine và các nước nghèo sẽ bị bỏ lại phía sau".
Mỹ đã chi khoảng 18 tỷ USD hỗ trợ các cuộc thử nghiệm lâm sàng của 6 loại vaccine tiềm năng nhằm đảm bảo mua hàng tỷ liều tiêm chủng. Theo dự tính của cơ quan quản lý, đến cuối tháng 2/2021, hơn 100 triệu người Mỹ sẽ được tiêm vaccine Covid-19.
Nhật Bản mua 521 triệu liều của 5 loại vaccine Covid-19 trong năm 2021, gấp 4 lần dân số 126 triệu người của nước này. Liên minh châu Âu (EU) đã chi 2,15 tỷ euro để bảo đảm nguồn cung ứng cho 447 triệu dân.
Phía sau cuộc đua tranh giành vaccine, là các nước nghèo và thu nhập trung bình vấp phải nhiều rào cản . Suragnel Whipps Jr., Tổng thống mới đắc cử của Cộng hòa Palau, cho biết vaccine của Pfizer "gần như nằm ngoài tầm với của chúng tôi". Đảo quốc Thái Bình Dương nhỏ bé này là một trong số ít quốc gia duy nhất chặn được virus.
Theo Business Insider, có 5 yếu tố thách thức với các quốc gia nghèo trong tiếp cận vaccine Covid-19.
Đầu tiên là vấn đề sản xuất. Khi các vaccine được chấp thuận, cần thời gian để sản xuất đủ số lượng. Những vaccine hàng đầu sử dụng tới vài ba công nghệ sản xuất như mRNA, tái tổ hợp và adenovirus. Mỗi loại lại có một quy trình phức tạp, khiến vaccine mất nhiều thời gian ra lò. Có thể cần tới 4 năm để cung cấp đủ vaccnie tạo miễn dịch cho dân số toàn cầu.
Thứ hai là giá thành. Các vaccine có giá đắt đỏ. Pfizer định giá 19,5 USD một liều, cho 100 triệu liều đầu tiên. Mỗi người phải tiêm 2 mũi, tức mỗi người tốn khoảng 39 USD. Trong khi đó, Moderna dự kiến bán giá từ 25 USD tới 37 USD một liều. AstraZeneca bán rẻ nhất, giá 3-5 USD một liều.
Thứ ba là vận chuyển. Giả định vaccine được chuyển tới các đất nước có thu nhập thấp, những nước này cũng thiếu hệ thống giao thông để phân phối cho liều tiêm tới người cần, nhất là người dân ở các vùng hải đảo xa xôi, không có tủ đông siêu lạnh bảo quản cũng như các phương tiện vận chuyển chuyên dụng.
Lưu trữ và bảo quản là vấn đề thứ tư. Vaccine của Pfizer phải bảo quản ở âm 70 độ C, tức nhiệt độ cực lạnh và nằm ngoài khả năng của nhiều nước hiện nay, đặc biệt ở quy mô cần thiết cho các chương trình tiêm chủng đại trà. Theo một nhà sản xuất, riêng Mỹ cần ít nhất 50.000 tủ đông lạnh cho nỗ lực tiêm chủng cộng đồng.
Cuối cùng là trung tâm y tế và cơ sở hạ tầng. Ở châu Phi, chỉ có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe cơ bản. Mặc dù nhiều quốc gia đã cải thiện dịch vụ y tế của họ trong dịch Ebola, nhưng hầu hết các khu vực nông thôn vẫn bị cô lập. Hoặc tại một sô vùng sâu, vùng xa của Ấn Độ, mọi người có thể không quay lại để tiêm mũi thứ hai vì ở địa bàn khó tiếp xúc hoặc quá xa các trung tâm tiêm chủng.
Ngày 23/11, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh thế giới cần đảm bảo phân phối vaccine công bằng trên toàn cầu, bởi phản ứng với đại dịch phải mang tính tập thể.
"Các chính phủ đều muốn làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân của mình. Nhưng hiện nay, những quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất có nguy cơ bị chà đạp trong cuộc tranh giành tích trữ vaccine", ông nói.
Adam Taylor, ký giả Washington Post nhận định về viễn cảnh nguồn lực vaccine đổ sang các nước giàu: "Ngay cả khi các chương trình tiêm chủng có hiệu quả, chấm dứt đại dịch ở một số quốc gia giàu, virus vẫn có thể tồn tại, lan rộng ở các quốc gia nghèo hơn. Điều này không chỉ gây nguy cơ cho hàng triệu người sống ở các quốc gia đó, mà còn có thể tiếp tục lây lan sang những nơi khác".
Chi Lê (Theo Washington Post, Reuters, Inside, BBC)