Chị bạn tôi là một công chức. Sáng 12/12, khi đang làm việc tại trụ sở, bạn nhận được tin nhắn thông báo biến động số dư qua điện thoại. Ban đầu chị nghĩ chắc bạn bè hoặc người thân gửi trả tiền đã vay trước đó nên cũng không mấy quan tâm. Thế nhưng, sau khi nhìn kỹ các thông tin tên người chuyển, nội dung chuyển, số tài khoản chuyển, và đặc biệt là số tiền vừa được chuyển vào tài khoản của mình lên đến 230 triệu đồng, chị bắt đầu có chút đắn đo và tin rằng đây không phải là tiền ai đó muốn chuyển cho mình.
Với linh cảm nghề nghiệp, chị lập tức tra soát lại các thông tin và mối quan hệ, xác định khả năng đây là tiền chuyển nhầm, nên đã chủ động tìm cách liên hệ với ngân hàng cung cấp dịch vụ để tìm hiểu thêm thông tin, xác định mục đích người chuyển, lý do chuyển tiền... Trong suy nghĩ của chị lúc đó, nếu có đủ cơ sở, căn cứ chứng minh là họ chuyển nhầm, chị sẽ trả lại toàn bộ số tiền cho người đó.
Tuy nhiên, chị cũng vẫn đề cao cảnh giác vì biết hiện nay tội phạm công nghệ cao đang tìm mọi cách để lừa đảo và chiếm đoạt quyền truy cập các tài khoản của khách hàng, trong có có cả thủ đoạn giả chuyển nhầm tiền cho con mồi. Thế nên, chị cũng rất cẩn trọng trong việc liên hệ, xác minh, trao đổi thông tin qua lại giữa các bên để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Nhờ sự nhiệt tình, cộng với hỗ trợ từ phía ngân hàng, sau khi tra soát, đối khớp đúng các dữ liệu, thông tin chứng minh của người chuyển là do chuyển nhầm, chị bạn tôi đã không ngần ngại chuyển trả lại toàn bộ số tiền 230 triệu đồng ngay trong ngày cho người chuyển nhầm trước đó.
Thực tế, hiện nay khi thực hiện các giao dịch qua Internet Banking, có rất nhiều thuận lợi cho khách hàng, giảm đáng kể các thao tác, nhưng nếu không cẩn thận cũng có rất nhiều sai sót có thể xảy ra và sẽ dẫn đến rủi ro về thông tin, tài sản, quyền truy cập và dẫn đến mất tiền trong tài khoản. Chuyện chuyển nhầm tiền không phải là hiếm, lỗi phần lớn là do người chuyển tiền bất cẩn, không kiểm tra thông tin trước khi bấm gửi.
Rắc rối là ở chỗ, để nhận lại được số tiền mình đã gửi nhầm, rất cần sự hợp tác từ phía chủ tài khoản nhận tiền, chứ ngân hàng chỉ có nhiệm vụ trung gian, không thể can thiệp. Đây cũng là nguồn cơn dẫn tới nhiều vụ việc tranh chấp tiền chuyển nhầm khi người nhận được tiền từ chối làm việc.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà không phải ai cũng hiểu biết, đó là pháp luật đã quy định rất rõ nghĩa vụ phải hoàn trả lại tài sản cho người khác khi chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ. Cụ thể nghĩa vụ hoàn trả đó được quy định tại Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015, mà việc bạn nhận được tiền khi người khác chuyển không có mục đích là một ví dụ.
Ngoài ra, cũng tại Điều 580 Bộ luật Dân sự còn quy định người chiếm hữu, sử dụng phải hoàn trả toàn bộ tài sản thu được, có nghĩa là khi bạn nhận được tiền không rõ nguồn gốc thì phải trả lại. Đây là nghĩa vụ bắt buộc, nếu người có nghĩa vụ không thực hiện thì bị coi là vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ, hành vi có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự.
Mong rằng những thông tin này sẽ giúp mỗi người trong chúng ta hiểu rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của mình trong các trường hợp tương tự.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.