Hậu quả của Covid 19 kéo dài từ cuối những năm 2019 đến nay đã ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế cả nước, từ những doanh nghiệp lớn, thành lập lâu đời, cho đến những hộ cá nhân nhỏ lẻ cũng và nhiều hệ lụy khác của tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là các doanh nghiệp hoạt động du lịch, lữ hành, nhà hàng, ăn uống, thương mại xuất nhập khẩu...và đặc biệt là ngân hàng.
Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Chính phủ đã có những quyết định đúng đắn, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp với thực trạng tồn tại của các doanh nghiệp. Cụ thể phải nói đến là Thông tư 14 về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các đối tượng vay vượt qua khó khăn, để có thể giữ được lịch sử thông tin tín dụng tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn trong thời gian tới. Tuy nhiên việc thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng thực hiện đến hết ngày 30/06/2022, tới nay đã hết hết hiệu lực.
Phải chăng, những khoản nợ đã được cơ cấu này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro phát sinh nợ xấu trong thời gian tới, khi hầu hết những khách hàng được cơ cấu nợ vẫn không đủ khả năng thanh toán đúng hạn? Để xử lý một khoản nợ xấu rất mất thời gian do có quá nhiều thủ tục, quy trình, quy định liên quan đến việc xử lý một tài sản thu hồi nợ, tốn kém rất nhiều chi phí, ảnh hưởng đến việc trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận của mỗi ngân hàng.
>> Nghịch lý 'doanh nghiệp phá sản, ngân hàng lãi cao'
Dù rằng, Nghị quyết 42 đã được Quốc hội thống nhất thời gian áp dụng kéo dài đến hết ngày 31/12/2023, tuy nhiên những nội dung còn lại của Nghị Quyết 42 vẫn được giữ nguyên. Có nghĩa là các khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 14 vẫn chưa thể áp dụng cho những khoản nợ đó. Trong khi đó, những năm qua Nghị Quyết 42 được xem là bảo bối của ngành trong công tác xử lý nợ.
Từ bao đời nay, ngành ngân hàng luôn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, là nơi huy động vốn, cung cấp vốn cho người dân, có sức ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Vì thế tôi tự hỏi, nên chăng cần có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc xử lý nợ trong Nghị Quyết 42, nhất là những khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 14? Điều này thực sự có ý nghĩ trong bối cảnh công tác xây dưng Luật hóa việc xử lý nợ vẫn chưa được hoàn thiện, cũng như giúp các ngân hàng sớm xử lý, thu hồi nợ nhanh chóng, khơi thông nguồn vốn cho xã hội.
Theo tôi được biết, các khoản nợ được cơ cấu thời gian trả nợ theo Thông tư 14 đa phần sẽ bị chuyển sang nhóm nợ tương ứng với thời gian cơ cấu khi khách hàng không thanh toán đúng hạn và đầy đủ số tiền đã cơ cấu. Ví dụ, trường hợp khoản nợ của ông A được cơ cấu thời gian trả nợ là ba tháng kể từ tháng 7, 8, 9. Sau khi hết thời gian cơ cấu này mà khách hàng vẫn không thanh toán đúng hạn và đầy đủ số nợ thì khoản nợ sẽ được hiểu rằng khoản nợ đang ở Nhóm nợ 3.
Câu hỏi "ngân hàng phải ứng phó thế nào khi Thông tư 14 hết hiệu lực?" lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.