Ngay trong những ngày tháng 1, Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý thắt chặt quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với một số thiết bị và công nghệ dùng trong sản xuất chip, giáng đòn mới vào tham vọng phát triển bán dẫn của Bắc Kinh.
Ngay sau đó, một số nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc cắt đứt hãng viễn thông Huawei khỏi mọi nhà cung cấp tại Mỹ. Trước đó, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã bị Washington đưa vào danh sách đen thương mại từ tháng 5/2019 và đang chịu hàng loạt hạn chế quyền tiếp cận công nghệ chip tiên tiến của Mỹ.
Thế quan trọng của Hà Lan và Nhật Bản
Công ty Hà Lan ASML hiện thống trị thị trường toàn cầu về thiết bị sản xuất chip nhờ chiếm gần 90% thị phần cung cấp máy quang khắc cực tím (DUV) tiên tiến. Về cơ bản, DUV sử dụng công nghệ laser để khắc một vi mạch được thiết kế sẵn lên một tấm wafer, cho phép xử lý in thạch bản trong phạm vi từ 45 nanomet (nm) đến 7 nm. Thiết bị này vốn đã ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2019 nhưng các dòng máy dùng tiến trình quang khắc cũ hơn vẫn xuất sang nước này.
Nhật Bản cũng có những nhà sản xuất DUV và xuất sang Trung Quốc trước đây, chẳng hạn Nikon và Canon. Trong khi đó, Tokyo Electron cũng có tiếng nói trong thị trường thiết bị sản xuất chip, với các công cụ khắc và phủ chip tiên tiến.
"Động thái mới đánh vào điểm yếu về công nghệ của Trung Quốc. Cái thòng lọng đang treo lơ lửng trên ngành công nghiệp bán dẫn nước này và sẽ thắt chặt sau thỏa thuận giữa ba quốc gia đó", Mo Dakang, đại diện công ty tư vấn Anbound tại Bắc Kinh, nhận xét.
Mo Dakang cho rằng thời gian qua, các tiến trình sản xuất chip của Trung Quốc đã phải lùi từ từ 14 nm xuống 45 nm. Trong bối cảnh "không chắc chắn" hiện nay, các hãng chip có thể phải sản xuất chip trên tiến trình cũ hơn nữa.
Tuy nhiên, việc thay đổi có thể không được áp dụng ngay. ASML cho biết ngày 28/1 rằng sẽ mất một thời gian để các chính phủ liên quan hoàn thiện quy định về kiểm soát xuất khẩu và thực thi luật đó.
"Trong khi các quy tắc đang được hoàn thiện, ASML sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng để thảo luận về tác động tiềm tàng của bất kỳ quy định được đề xuất nào nhằm đảm bảo tác động đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu được đánh giá đúng mức. Trong thời gian này, hoạt động kinh doanh của ASML trên toàn cầu vẫn tiếp tục", đại diện công ty Hà Lan chia sẻ.
Một số chuyên gia khác có cái nhìn tích cực hơn. Arisa Liu, nhà nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho rằng còn có những vấn đề khác cần xem xét. "Doanh số bán thiết bị bán dẫn của Nhật Bản và Hà Lan sang Trung Quốc chưa thực sự đáng kể. Việc Mỹ bồi thường cho các công ty bị ảnh hưởng như thế nào sẽ là chìa khóa quyết định liệu thỏa thuận này có thể được thực hiện và kéo dài hay không", Liu nhận định.
Trung Quốc trong vòng vây
Giới chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc có thể đã tìm thấy một vài lựa chọn để chống lại các hạn chế về công nghệ từ Mỹ. Theo nhà phân tích Dan Wang của công ty nghiên cứu Gavekal, Trung Quốc không thể trả đũa các công ty Mỹ như Apple, Tesla hay Intel vì nước này cần công nghệ, công việc mà những doanh nghiệp này tạo ra, cũng như phát triển kinh doanh và sự hỗ trợ của họ ở Mỹ. "Điều đó có nghĩa là Trung Quốc chỉ có thể đáp trả bằng cách tăng các khoản trợ cấp và hỗ trợ cho các ngành công nghiệp địa phương, chứ không phải trả đũa", ông Wang nói.
Đến nay, phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc là gửi đơn khiếu nại lên cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO tháng 12 năm ngoái. Trong đó, Bộ Thương mại Trung Quốc mô tả động thái của Mỹ là "thực tiễn điển hình của chủ nghĩa bảo hộ thương mại".
Trong khi đó, phía Mỹ đang tiếp tục tăng thêm sức ép. Mỹ gần đây khởi xướng Liên minh Chip4 Alliance với những cái tên hàng đầu, trong đó có Hàn Quốc. Với châu Âu, xu hướng nghiêng về phía Mỹ cũng được thể hiện. Tháng trước, ủy viên Thierry Breton của EU đã tán thành các hạn chế chip của Mỹ đối với Trung Quốc. "Chúng tôi không thể cho phép Trung Quốc tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất", Breton nói khi đó.
Bảo Lâm (theo SCMP)