Theo SCMP, có ít nhất 9 công ty trong chuỗi cung ứng bán dẫn Trung Quốc đã đăng ký hồ sơ IPO chỉ trong tháng 11 và đều đã được duyệt. Trong đó, sáu công ty liên quan đến thiết kế vi mạch tích hợp (IC), một công ty đóng gói chip, một xưởng đúc wafer và một nhà cung cấp vật liệu đóng gói chip.
Các đợt IPO dự kiến huy động được tổng cộng 21,6 tỷ nhân dân tệ (ba tỷ USD) từ các nhà đầu tư. Đây được xem là nỗ lực mới trong việc tự cung tự cấp chip trong bối cảnh bị thắt chặt bởi các hạn chế thương mại của Mỹ.
Trong số các công ty, Semiconductor Manufacturing Electronics (Shaoxing) là xưởng đúc wafer nổi bật. Công ty này hiện liên kết với nhà sản xuất chip lớn nhất và tiên tiến nhất Trung Quốc SMIC.
Trước đó, Hua Hong Semiconductor, nhà sản xuất chip lớn thứ hai của Trung Quốc, cũng được niêm yết tại Star Market - một sàn giao dịch chứng khoán mới tại Thượng Hải - sau khi đã niêm yết tại Hong Kong và huy động được hơn 2,5 tỷ USD. Số tiền này sẽ được sử dụng để nâng cấp nhà máy chế tạo tấm wafer 8 inch tiên tiến, cũng như nghiên cứu công nghệ mới.
"Các hoạt động IPO tại Trung Quốc đang tăng tốc và ổn định hơn về quy mô, trong khi nhiều dự án khác cũng đang được tiến hành", Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, nhận xét. "Nhiều đợt IPO hơn sẽ cho phép các nhà sản xuất chip Trung Quốc dễ dàng tiếp cận vốn và triển khai nhiều nguồn lực hơn cho R&D".
Cũng theo Gary Ng, việc thúc đẩy R&D là quá trình phức tạp và lâu dài, nhưng quan trọng là nó có thể đối phó với các hạn chế của Mỹ.
Theo dịch vụ dữ liệu doanh nghiệp Qichacha, trong 11 tháng đầu năm, 46 công ty liên quan đến chất bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo, sản xuất linh kiện và vật liệu đã niêm yết trên các sàn giao dịch, chủ yếu là Star Market. Năm ngoái, con số này chỉ là 19.
Dù vậy, do các hạn chế thương mại từ Mỹ, các công ty IPO chủ yếu hoạt động ở mảng bán dẫn "trưởng thành", tức các công nghệ chip đời cũ. Chẳng hạn, New Vision Microelectronics có trụ sở tại Thượng Hải đang xây dựng chip hiển thị và cảm biến trên tiến trình 110 nm; hay XTX Technology chuyên thiết kế chip nhớ flash có trụ sở tại Thâm Quyến sản xuất chip trên tiến trình 65 nm và 55 nm.
Bảo Lâm (theo SCMP)