"Các bước đã được thực hiện để hướng tới một thỏa thuận giữa các chính phủ, mà theo hiểu biết của chúng tôi là sẽ tập trung vào công nghệ sản xuất chip thế hệ mới, bao gồm nhưng không giới hạn ở công cụ in thạch bản tiên tiến", đại diện ASML nói ngày 27/1.
Theo người này, các biện pháp này chưa tác động đáng kể đến dự báo tài chính năm 2023 của hãng. Công ty bán dẫn Hà Lan nhấn mạnh, trước khi có hiệu lực, các yêu cầu sẽ phải được nêu chi tiết và triển khai thành luật. "Việc này sẽ mất thời gian", đại diện ASML nói thêm.
Tuyên bố của ASML được đưa ra sau khi Bloomberg cho biết quan chức Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ đã đàm phán để hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp cận máy móc sản xuất bán dẫn tiên tiến.
Cũng theo Bloomberg, kết quả đàm phán không được thông báo công khai. Tuy nhiên, một số nguồn tiết lộ nội dung cuộc họp gồm tăng cường hạn chế đối với ASML, ngăn công ty Hà Lan này bán một số thiết bị như máy quang khắc chip cho Trung Quốc, trong đó có máy quang khắc bằng tia siêu cực tím (EUV).
EUV được đánh giá là thiết bị rất quan trọng trong việc sản xuất một số chip tiên tiến. Nếu không có máy này, nỗ lực thiết lập dây chuyền sản xuất có thể bất khả thi. ASML hiện đóng vai trò gần như độc quyền và được ví như điểm nghẽn cổ chai bởi chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Con số này thậm chí là 100% với EUV.
Sức ép của Mỹ đối với Hà Lan liên quan đến ASML được cho là bắt đầu từ năm 2018, dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Đến năm 2020, theo Reuters, Hà Lan rút giấy phép xuất khẩu máy EUV sang Trung Quốc của ASML. Điều này diễn ra sau khi chính phủ Mỹ vận động hành lang và bày tỏ lo ngại nếu ASML vận chuyển máy móc đến Trung Quốc, các nhà sản xuất chip nước này có thể tạo ra những sản phẩm với sức mạnh lớn hơn, ứng dụng AI và sử dụng cho các mục đích quân sự.
Hồi giữa tháng 1, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher từng cho biết sẽ không chấp nhận đề nghị của Mỹ trong việc hạn chế xuất khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc. Theo CNBC, hiện không có hệ thống EUV nào ở Trung Quốc. Trong khi đó, đại diện ASML xác nhận không thể đưa máy EUV đến Trung Quốc kể từ 2019 do các hạn chế xuất khẩu của Hà Lan.
Cũng theo báo cáo, phía Nhật Bản cũng sẽ đặt ra giới hạn tương tự với Tokyo Electron. Đây là nhà sản xuất chip lớn nhất đất nước mặt trời mọc và nắm giữ một số công nghệ độc quyền về chế tạo bán dẫn.
Bảo Lâm