Bloomberg trích dẫn hai nguồn tin ngày 12/12 rằng hai nước "sẽ áp dụng một số biện pháp sâu rộng" mà Mỹ từng đưa ra hồi tháng 10 để hạn chế bán dẫn Trung Quốc. Liên minh ba quốc gia sẽ phong tỏa gần như hoàn toàn khả năng của Trung Quốc trong việc mua thiết bị cần thiết để tạo ra những mẫu chip tiên tiến.
Tuyên bố chung dự kiến được đưa ra trong vài tuần tới. Khi được Reuters phỏng vấn, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chưa đưa ra phản hồi. Bộ Ngoại giao Hà Lan từ chối bình luận.
Tokyo Electron của Nhật Bản và ASML của Hà Lan đang là hai công ty nắm gần như độc quyền các công nghệ và thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Riêng ASML chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu và 100% với dòng máy quang khắc dùng tia siêu cực tím (EUV) - loại máy không thể thiếu, phục vụ cho các nhà sản xuất chất bán dẫn.
Vào tháng 10, Mỹ ban hành Quy tắc trực diện về sản phẩm nước ngoài (FDPR - Foreign Direct Product Rule), trong đó quy định các công ty ở bất kỳ đâu trên thế giới sẽ không được phép bán chip máy tính hoặc các công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm đó có công nghệ Mỹ, hoặc phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để được xem xét. Khi đó, giới chuyên gia đánh giá FDPR là biện pháp thương mại đặc biệt khắc nghiệt và tác động sâu rộng nhất từ trước đến nay, vì quy tắc này áp đặt hạn chế không chỉ đối với các nhà sản xuất chip ở Mỹ mà với bất kỳ công ty hoặc nhà máy nào trên thế giới dùng thiết bị hoặc phần mềm Mỹ.
Thời gian qua, Mỹ cũng gây áp lực lên nhiều quốc gia, đặc biệt là Hà Lan vì có liên quan đến ASML. Theo Reuters, sức ép được cho là bắt đầu từ năm 2018 dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Đến năm 2020, Hà Lan rút giấy phép xuất khẩu máy EUV sang Trung Quốc của ASML. Điều này diễn ra sau khi chính phủ Mỹ vận động hành lang và bày tỏ lo ngại nếu ASML vận chuyển máy móc đến Trung Quốc, các nhà sản xuất chip nước này có thể tạo ra những sản phẩm với sức mạnh lớn hơn, ứng dụng AI và sử dụng cho các mục đích quân sự.
Trước đó, ba nhà cung cấp tấm wafer dùng để sản xuất chip lớn nhất của Mỹ là Applied Materials, Lam Research và KLA Corp cũng được yêu cầu không xuất khẩu sản phẩm cho Trung Quốc. Lam Research - nhà sản xuất thiết bị bán dẫn có trụ sở ở Thung lũng Silicon - cho biết sẽ tổn thất khoảng 2,5 tỷ USD trong năm 2023. Applied Materials - nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất của Mỹ - cũng thừa nhận việc hạn chế xuất khẩu sẽ khiến doanh thu của hãng bị mất từ 250 triệu đến 550 triệu USD trong quý cuối 2022.
"Trung Quốc giờ đây ngày càng khó có cơ hội xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn mũi nhọn. Rất khó", nhà phân tích Stacy Rasgon của Sanford C. Bernstein nói với Bloomberg.
Cùng ngày 12/12, Trung Quốc đệ đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới, phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng các hạn chế sẽ "đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu", đồng thời tố động thái của Mỹ là "đáng ngờ".
Bảo Lâm