Tôi cũng có câu chuyện giống như tác giả bài viết Bất lực trước những cú điện thoại mượn tiền mùa dịch nhưng ở hướng ngược lại. Tôi liên lạc nhưng bạn lại tắt máy, không xem tin nhắn vì đang nợ tôi số tiền hơn 15 triệu đồng.
Số tiền này tôi cho mượn từ mấy tháng trước Tết. Sau đó, khất đi khất lại và dây dưa cho đến tận bây giờ. Thật rất khó xử khi phải nhắc đến chuyện tiền bạc lúc này.
Về phương diện tâm lý, người đi mượn ngại, sợ không có tiền trả thì người nhắn tin đòi nợ cũng ngại hơn nhiều lần. Bởi rất có thể bị mang tiếng oan là bắt chẹt người khác trong thời điểm khó khăn. Nhưng tôi biết rõ là bạn tôi hiện tại vẫn làm việc ở nhà, vẫn có hưởng lương nhưng lại né tránh số nợ, 15 triệu - không nhiều mà cũng không ít.
Trong khi mùa dịch này hai vợ chồng tôi ở nhà, không có thu nhập khi cửa hàng bán đồ ăn đã đóng cửa mấy tháng nay. Thu nhập không có, lại bị nhiều khoản vay đến hạn trả dí đòi, tôi bị vợ cằn nhằn suốt vì cho bạn vay tiền.
Cảm giác không có tiền và có tiền cho mượn nhưng khó đòi được đều bất lực như nhau. Có khi không đòi được nợ còn tệ hơn vì vốn nó là của mình nhưng lại phụ thuộc vào độ uy tín của người khác.
Bạn bè kể cả người thân hoặc bất cứ mối quan hệ nào dính đến tiền bạc thì đều rất mệt mỏi. Vậy nên phải phân minh rõ ràng chứ tôi nghĩ không thể cho mượn dựa trên cảm tính như tác giả được. Có lẽ tác giả sống tốt và bạn bè anh ấy cũng như thế. Nhưng không thể lấy đó làm số đo chung cho nhiều người trong xã hội được.
Về phần mạnh thường quân giúp đỡ nhau mùa dịch, họ có thể giúp bằng hiện vật như gạo, mì gói, rau củ quả hay một ít tiền mặt để dành mua thuốc, mua thêm thức ăn hoặc đóng tiền phòng thì không có gì đáng nói. Chuyện giúp đỡ, cho mượn tiền để vượt qua khó khăn mùa dịch này cũng rất là đáng quý.
Nhưng trên hết rất cần sự phân minh rõ ràng để sau này khi hết mùa dịch, lại xảy ra cảnh tình cảm sứt mẻ, không nhìn mặt nhau vì chuyện tiền bạc.
Nam Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.