Sau bài viết nêu quan điểm hạn chế cho người thân vay tiền để kinh doanh, độc giả Vạn Sự Thông chia sẻ: Anh rể tôi trước đây cũng y chang vậy. Anh ta mua tivi, tủ lạnh và thường xuyên cho tiền bố mẹ tôi để xin mượn miếng đất mặt tiền gần 4.500m2 đi vay ngân hàng để chơi chứng khoán.
Anh em tôi biết được ra sức khuyên can nên bố tôi không đồng ý. Sau này anh rể gây áp lực ly dị nếu chị tôi không cho anh ta mượn số tiền 500 triệu đồng. Cuối cùng chị tôi phải li dị và đồng ý đưa cho anh ta 700 triệu là tiền 1/2 căn nhà để anh ta và vợ mới mở kiot bán túi xách, giày dép. Khai trương ngay dịp dịch Covid-19 nên hiện tay không biết ra sao.
Độc giả có nickname Chị chia sẻ cho người thân vay tiền, bản thân chỉ thiệt thòi:
Nhà tôi cũng vậy. Em gái tôi vỡ nợ. Cả nhà dồn tiền cho em ấy. Tôi đang gom tiền mua đất nhà mà phải dốc hết cho em và tiếp tục ở trọ thêm vài năm. Lúc cho em vay thì mang hết vàng đi bán với giá 17 triệu một cây để gửi tiền cho em do kẻ bắc người nam. Tới vài năm sau em trả tiền thì vàng lên 34-35 triệu một cây rồi, mà vẫn vui vẻ nhận.
Mẹ tôi cũng dốc sạch túi cho một người chú vay lãi. Chú vỡ nợ và mẹ hết sạch tiền, cả nhà cũng suýt đi theo chú. Bản thân tôi rất ghét người đi mượn nợ, tôi chưa bao giờ vay ai cái gì cho bản thân mình, mà phải chường mặt ra đi vay hộ nên tôi thấm lắm. Giờ thì tôi rút kinh nghiệm rồi, ai đói rách thì tôi cho gạo, hoặc cho vay gạo thôi, sẽ không bao giờ cho vay tiền nữa.
Độc giả có nickname Batigol nêu:
Vay thì dễ, trả thì muôn trùng chông gai..ôi cái cuộc đời. Nhà tôi từng vô cùng bế tắc khi có người nhà hay tin người, tham lãi lén mang sổ đỏ đi cắm ngân hàng để cho vay. Đúc rút lại là: tiền trong túi mình là của mình, tiền mang cho vay thành tiền của kẻ khác.
Với các khoản vay lớn bắt buộc phải có thế chấp, dù đấy có là ai hay có nói gì vẽ gì đi chăng nữa. Khi thế chấp nhà để làm ăn thì được, mình làm ăn kém thì mình chịu, chứ đừng bao giờ thế chấp cho anh, em, bạn bè gì cả. Bao nhiêu người ra đường đầy oan nghiệt.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.