Một mùa đông dài và khắc nghiệt sẽ làm tăng nhu cầu sưởi ấm và có thể khiến các nước châu Âu rơi vào cảnh thiếu khí đốt nghiêm trọng, đe dọa nỗ lực phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch. Lượng gió và mưa ở lục địa cũng sẽ quyết định mức năng lượng các quốc gia châu Âu có thể sản xuất được từ các nguồn tái tạo giá rẻ.
Thời tiết từng đóng vai trò quan trọng trong nhiều cuộc xung đột quân sự. Trong cuộc chiến kinh tế hiện nay giữa Nga và phương Tây, thời tiết cũng sẽ là yếu tố quyết định liệu châu Âu có cạn nguồn khí đốt trong mùa đông và giá điện cao sẽ gây ra thiệt hại thế nào với nền kinh tế của họ, theo bình luận viên Georgi Kantchey của WSJ.
Trước mùa đông, nhiều nhà máy sản xuất phân bón, lò luyện kim ở châu Âu đã giảm sản lượng, trong khi giới chức các nước kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm nhiệt độ máy sưởi, tắm ít hơn, trong nỗ lực tránh kịch bản thiếu hụt khí đốt và phải phân bổ năng lượng theo định mức.
"Thời tiết sẽ là yếu tố chủ chốt", Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại công ty tư vấn Eurasia, nói. "Một mùa đông không quá lạnh sẽ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và phần lớn người dân châu Âu có thể vượt qua mà không cần khí đốt Nga".
Ngược lại, nếu mùa đông năm nay rất lạnh và kéo dài, các chính phủ châu Âu sẽ phải phân bổ năng lượng chặt chẽ hơn, theo ông Gloystein.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, tình trạng gián đoạn nguồn cung đã tác động nặng nề tới thị trường năng lượng châu Âu. Nga đã cắt giảm mạnh dòng khí đốt tới châu Âu, động thái mà giới chức phương Tây mô tả là đòn tấn công kinh tế để trừng phạt châu Âu vì ủng hộ Ukraine.
Ngày 2/9, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo ngừng hoạt động vô thời hạn đường ống Nord Stream 1, nguồn cung khí đốt chính tới Đức, để khắc phục sự cố kỹ thuật tại một trạm nén khí.
Gián đoạn nguồn cung ở Mỹ cũng ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), vốn được châu Âu coi như một giải pháp thoát phụ thuộc lâu dài vào năng lượng Nga. Tình hình phức tạp hơn khi hạn hán kéo dài làm giảm sản lượng thủy điện, trong khi nhiều nhà máy hạt nhân Pháp cũng phải ngừng hoạt động để bảo trì.
Trong tình cảnh đó, rất nhiều thứ ở châu Âu phải phụ thuộc vào thời tiết.
"Chúng tôi sẽ không thiếu khí đốt trừ khi phải tiêu thụ nhiều hơn nếu thời tiết mùa đông cực kỳ lạnh giá và sản lượng điện từ các nguồn khác thiếu hụt", Catherine MacGregor, giám đốc điều hành công ty năng lượng Pháp Engie SA, cho hay.
Ủy ban châu Âu hồi tháng 7 nói một mùa đông lạnh bất thường sẽ làm tăng nguy cơ thâm hụt lượng dự trữ khí đốt.
Châu Âu đã chạy đua lấp đầy các kho dự trữ khí đốt của mình với tốc độ chóng mặt. Lượng dự trữ khí đốt trên toàn EU đã đạt 80% tổng công suất, mục tiêu mà khối trước đó dự kiến hoàn thành vào ngày 1/11. Đức, quốc gia có cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất châu Âu, đã đạt mức 85%.
Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nhận định thời tiết là rủi ro lớn nhất trong thời gian tới. Theo tính toán, mùa đông lạnh bất thường có thể làm giảm lượng khí đốt dự trữ của châu Âu từ mức 80% hiện nay xuống 4% vào tháng 3.
Khó khăn sẽ kéo dài tới mùa đông năm sau, khi các nước chỉ có thể lấp đầy tối đa 63% các kho dự trữ khí đốt trước khi nhiệt độ giảm trở lại vào mùa thu, theo Wood Mackenzie. Công ty này cũng cảnh báo kịch bản đó sẽ buộc các nước phải tính tới phương án phân bổ khí đốt theo định mức.
Một mùa thu và mùa đông ấm áp hơn sẽ gây ra tác động nhẹ nhàng hơn, bởi các công ty năng lượng và chính phủ châu Âu thường lấp đầy kho dự trữ khí đốt vào mùa hè khi nhu cầu thấp hơn và dùng chúng trong những tháng mùa đông lạnh giá. Nhiệt độ mùa đông cao hơn sẽ giúp giảm lượng khí đốt tiêu thụ.
Dominik Jung, giám đốc tại dịch vụ dự báo thời tiết Q.met GmbH ở Đức, dự báo mùa đông năm nay sẽ khá ôn hòa, với nền nhiệt cao hơn 0,8-1,9 độ C so với trung bình từ năm 1991 tới 2020.
"Tôi không cảm thấy quá lo lắng về mùa đông. Với xu hướng hiện tại, tôi không nghĩ lượng khí đốt tiêu thụ sẽ quá cao", ông nói.
Alexandre Fierro, nhà khí tượng học cấp cao tại công ty môi giới Marex, cho biết thời tiết mùa đông sẽ ấm và khô hơn cho đến tháng 12. AccuWeather cho biết nhiệt độ ở châu Âu trong mùa thu này cao hơn 1-2 độ C so với bình thường.
Sự chênh lệch nhiệt độ nhỏ này đủ để tạo ra ý nghĩa lớn với nhu cầu khí đốt. S&P Global Commodity Insights ước tính nhiệt độ ấm hơn 1 độ C có thể làm giảm 6% nhu cầu khí đốt trong những tháng mùa đông ở Đức và Anh.
Ngược lại, mùa đông rất lạnh có thể dẫn tới nhu cầu khí đốt ở châu Âu tăng 5%, theo ước tính của Fitch Ratings. Điều này khiến EU khó đạt được mục tiêu tự nguyện giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt theo cam kết.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới mùa đông năm nay là La Nina, hiện tượng nhiệt độ bề mặt đại dương giảm mạnh, xảy ra vài năm một lần. AccuWeather dự báo do La Nina, mùa đông năm nay sẽ có nhiều biến động hơn về nhiệt độ và các cơn bão.
Thời tiết ấm hơn trong những tháng mùa thu cũng đi kèm một số bất lợi. Nó có thể kéo dài tình trạng hạn hán ở châu Âu, được đánh giá là tồi tệ nhất trong 500 năm qua ở một số nơi. Tình trạng thiếu mưa đã khiến sản lượng thủy điện giảm 20% so với năm ngoái. Sông Rhine cạn cũng ảnh hưởng tới việc vận chuyển than tới các nhà máy nhiệt điện, theo Carlos Torres Diaz, người đứng đầu bộ phận năng lượng của công ty tư vấn Rystad Energy.
"Nếu dự báo thời tiết mùa đông ôn hòa trở thành hiện thực, nó sẽ giúp ích cho ngành sản xuất điện, nhưng giá năng lượng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phức tạp khác", ông Diaz cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo WSJ)