Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 7/9 thông báo về đề xuất áp giá trần khí đốt Nga, cùng với hàng loạt biện pháp khác, để ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng mà Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt.
Giá điện và nhiên liệu tại EU đã tăng vọt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2. Các biện pháp trừng phạt, đáp trả qua lại giữa phương Tây với Nga khiến lưu lượng khí đốt Moskva cung cấp cho châu Âu giảm đáng kể.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày 7/9 cho biết lưu lượng khí đốt Nga sang các nước EU giảm 48% kể từ đầu năm, nếu tính cả Anh là giảm 49%.
EU cáo buộc Nga sử dụng khí đốt làm vũ khí để trả đũa các đòn trừng phạt của phương Tây. Moskva nhiều lần bác bỏ, cho rằng những lệnh trừng phạt từ phương Tây cùng các sự cố kỹ thuật trên đường ống Nord Stream 1 cản trở dòng chảy khí đốt sang châu Âu.
Nga đã đóng vô thời hạn đường ống khí đốt Nord Stream 1 sang Đức vì tuabin chính tại trạm nén khí Portovaya, gần St. Petersburg, bị rò rỉ dầu, chỉ khởi động lại khi vấn đề được khắc phục. Lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1, vốn vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, chỉ đạt 20% công suất từ tháng 7.
Bộ trưởng năng lượng các quốc gia EU sẽ họp ngày 9/9 để thảo luận các biện pháp khẩn cấp giúp giảm gánh nặng giá năng lượng lên các doanh nghiệp và hộ gia đình. Chính phủ nhiều nước như Đức và Hy Lạp đang "đốt" hàng tỷ euro mỗi tháng để trợ giá điện, vốn đã tăng lên gấp 5 lần so với năm ngoái ở một số nơi.
Trong một tài liệu mà Financial Times tiếp cận được hôm 5/9, EC khuyến nghị các quốc gia thành viên triển khai biện pháp "áp giá trần bán sỉ khẩn cấp" với nguồn cung khí đốt và đưa ra hai lựa chọn. Một là thiết lập giới hạn thanh toán khí đốt nhập khẩu từ Nga. Hai là triển khai hệ thống giá trần khác nhau theo từng nước, tùy vào mức độ phụ thuộc của họ vào khí đốt Nga.
Theo EU, mục tiêu đầu tiên của đề xuất áp giá trần khí đốt Nga là nhằm hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu của Moskva. Giá trần có thể do toàn EU thống nhất đưa ra hoặc một bên mua khí đốt Nga thương lượng mức cụ thể.
Tuy nhiên, Brussels lưu ý đề xuất này có nguy cơ kích hoạt các điều khoản "bất khả kháng" trong hợp đồng với Gazprom và "có thể làm leo thang căng thẳng địa chính trị" giữa Nga với châu Âu.
Bất khả kháng là điều khoản được đưa vào các hợp đồng để loại bỏ trách nhiệm đối với các tình huống không thể tránh khỏi. Gazprom hồi tháng 7 từng viện lý do này khi dừng cấp khí đốt cho châu Âu.
Một biện pháp khác là chia các nước thành viên EU thành "vùng xanh" và "vùng đỏ" theo mức độ nhạy cảm với gián đoạn nguồn cung khí đốt. Giá khí đốt Nga có thể bị áp trần ở vùng đỏ, nhưng vẫn được duy trì ở mức đủ cao ở vùng xanh để họ có thể mua khí đốt, sau đó chuyển cho vùng đỏ.
Bằng việc áp trần giá khí đốt, EU có thể đạt được một mục tiêu nữa là giảm giá điện. Quản lý giá điện không chỉ là một mục tiêu kinh tế và xã hội, mà còn là vấn đề cấp bách về chính trị ở châu Âu. Pháp từng chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình của phong trào "áo vàng" bùng phát từ cuối năm 2018 do giá năng lượng tăng.
Giá hợp đồng bán sỉ điện cho năm 2023 ở Đức đã lên cao kỷ lục 1.050 euro/MWh vào cuối tháng 8, cao gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước, trước khi giảm xuống.
Theo hệ thống năng lượng EU, giá điện bán sỉ được thiết lập bởi mức giá từ nhà máy điện cuối cùng để đáp ứng tổng cầu.
Tất cả các đơn vị sản xuất điện, từ nhiên liệu hóa thạch, gió hay năng lượng mặt trời, đều đấu thầu tham gia thị trường, đưa ra mức giá theo chi phí sản xuất của họ. Giá sẽ đi từ các nguồn rẻ nhất lên đắt nhất là điện sản xuất bằng khí đốt. Giá điện thường sẽ được xác lập theo giá khí đốt.
Theo hệ thống này, do tất cả đều bán điện ở cùng một giá, các bên sản xuất bằng năng lượng tái tạo với chi phí thấp sẽ có biên lợi nhuận lớn hơn, khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn, từ đó giúp châu Âu sớm đạt các mục tiêu về khí hậu.
Tuy nhiên, một số quốc gia như Tây Ban Nha cho rằng hệ thống có bất cập bởi năng lượng tái tạo giá rẻ lại được bán cho người tiêu dùng với giá đắt như điện từ nhiên liệu hóa thạch.
Ý tưởng áp giá trần khí đốt hoặc điện từ lâu đã được Tây Ban Nha, Bỉ và một số nước khác ủng hộ. Đức và Áo ban đầu không muốn thực hiện, nhưng giờ cũng bắt đầu thay đổi quan điểm. Pháp nằm trong nhóm ủng hộ tách giá khí đốt khỏi giá điện.
Dù vậy, giá khí đốt cao cũng có những điểm cộng nhất định, bởi các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu sẽ có xu hướng giảm tiêu thụ để tiết kiệm, hành vi đang được chính phủ các nước EU khuyến khích nhằm đảm bảo khu vực có đủ năng lượng vượt qua mùa đông sắp tới.
Áp giá trần khí đốt sẽ làm giảm động lực tiết kiệm này, giới quan sát lo ngại. Phe chỉ trích cho rằng việc này thậm chí còn phản tác dụng, khiến người dân và doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ khí đốt.
Một số nhà phân tích đề xuất lựa chọn tốt hơn là hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình thu nhập thấp và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất, hơn là cải tổ thị trường một cách hấp tấp.
Hiện chưa rõ EU sẽ thực thi các biện pháp áp giá trần khí đốt Nga như thế nào, nhưng Moskva nhiều khả năng sẽ phản ứng lại một cách cứng rắn.
Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở thành phố Vladivostok ngày 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả kế hoạch áp giá trần khí đốt của châu Âu là "một ý tưởng ngớ ngẩn nữa" và "một giải pháp phi thị trường không có triển vọng".
"Nếu các nước châu Âu muốn từ bỏ lợi thế cạnh tranh của mình, vậy thì tùy họ", ông nói thêm. "Chúng tôi sẽ không cung cấp thứ gì đi ngược lại lợi ích của mình, trong trường hợp này là lợi ích kinh tế. Không khí đốt, không dầu, không than, không nhiên liệu, không gì cả".
Như Tâm (Theo Reuters, FT)