Bitcoin vừa thiết lập đỉnh vào ngày 11/3, khi được giao dịch ở mức 72.800 USD mỗi đồng (cao nhất mọi thời đại). Đồng tiền số lớn nhất thế giới cũng tiếp tục thăng hạng trong nhóm những tài sản dẫn đầu tính theo vốn hóa thị trường. Với vốn hóa hơn 1.400 tỷ USD, Bitcoin vượt qua bạc thành tài sản lớn thứ 8 trên thế giới, thanh khoản cũng đạt mức kỷ lục.
Thế nhưng dù sở hữu những con số thống kê đáng mơ ước như vậy, nhiều người vẫn nghi ngờ về giá trị thực của Bitcoin. Độc giả Kevindu nhận định: "Có một thực thế là chẳng mấy ai đi lục tung Internet để tìm hiểu Bitcoin là gì, tính ứng dụng của nó ra sao? Vì đa phần người ta chỉ quan tâm đến nó ở khía cạnh kinh tế (kiếm lời) chứ không phải góc độ kỹ thuật. Cũng giống như tôi muốn làm một website để bán hàng, thứ tôi quan tâm là giao diện có đẹp và thu hút được khách hàng không, chứ chẳng cần biết viết code như thế nào?
Hầu hết người ta đi mua một chiếc ôtô cũng chỉ quan tâm tới kiểu dáng, độ tin cậy của thương hiệu và giá cả, chứ mấy ai ngó xem chiếc ôtô đó cấu tạo thế nào, có mấy nghìn chi tiết trong đó? Hoặc bạn đi mua nhà cũng có bao giờ hỏi chủ đầu tư cái nhà này xây từ bao nhiêu viên gạch, bao nhiêu tấn thép, bao nhiêu bao xi măng... không?
Thế nên, nếu bảo người chơi Bitcoin đầu tư tìm hiểu xem công nghệ này là gì, ứng dụng trong tương lai ra sao, thì đó là chuyện rất không tưởng. Sẽ chẳng có ai nghiên cứu sâu về Bitcoin như vậy trước khi đầu tư cả. Thay vào đó, người ta sẽ chỉ xem giá trị đồng tiền đó thế nào, tỷ suất sinh lời bao nhiêu để mua bán chênh lệch và kiếm lời từ đó.
>> Canh bạc làm giàu của những người tin vào Bitcoin
Chứng khoán hay cổ phiếu nói chung vẫn gắn liền với một doanh nghiệp cụ thể, mỗi năm đều tạo ra một khoản lợi nhuận cho cổ đông nắm giữ. Có những cổ phiếu mà tỷ phú Warrent Buffett nắm giữ hàng chục năm chỉ để ăn cổ tức mà không hề bán ra. Còn tiền ảo chỉ sinh ra lợi nhuận nếu bạn bán ra và "đẩy quả bom nổ chậm" được ai đó.
Lấy ví dụ, giờ bạn đem 1 Bitcoin (65.000 USD) đi mua được một chiếc ôtô. Nhưng chỉ ba tháng nữa, giá Bitcoin lao dốc chỉ còn 15.000 USD, tức là bạn phải thanh toán tận 4 Bitcoin cho cùng một chiếc ôtô đó. Tính bất ổn của tiền ảo là như vậy.
Tiền là vật trung gian để trao đổi hàng hóa nên nó phải có giá trị ổn định (tất nhiên có thể phá giá trong biên độ 1-3%/năm vẫn chấp nhận được), giống như tỷ giá tăng cao thì Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp bằng cách tăng lãi suất hoặc bán USD nhằm ổn định tỷ giá. Trong khi đó, Bitcoin có làm được vậy không, ai đứng ra để ổn định giá trị cho nó? Khi nào chúng ta trả lời được câu hỏi này thì lúc đó hãy nghĩ đến tương lai của tiền ảo".
Trong khi đó, phản biện lại quan điểm trên, bạn đọc Justabitcoiner lại bày tỏ sự lạc quan vào tương lai của Bitcoin: "Bitcoin là một công nghệ hoàn toàn mới mà loài người chưa từng thấy trước đây, hiển nhiên là rất khó hiểu. Để hiểu Bitcoin, bạn cần gạt bỏ gần như tất cả kiến thức mà bạn được dạy, dùng chính tư duy logic của bản thân để xây dựng một khung kiến thức mới dựa trên First principle.
Nếu bạn muốn cất để tuần sau, tháng sau tiêu xài, dĩ nhiên nên xài tiền giấy. Còn về dài hạn 5 năm hay 10 năm thì ai cũng biết nên lưu bằng vàng hoặc bất động sản. Chẳng ai mua vàng, bất động sản với hy vọng tuần sau, tháng sau bán ra để tiêu xài cả. Bitcoin cũng tương tự vậy thôi. Mỗi công cụ có một mục đích sử dụng khác nhau, dùng nó như thế nào cho phù hợp với nhu cầu của bạn là quyết định của bạn.
Bitcoin mất đi 90% giá trị trong vòng một ngày là câu chuyện của chục năm trước rồi. Bây giờ thanh khoản Bitcoin rất cao. Những người đổ nợ, phải bán nhà bạn vì Bitcoin chẳng qua là vì cứ nghe loáng thoáng "chơi coin" rồi mạnh tay đầu tư liều. Họ đổ nợ vì tư duy giao dịch ngắn hạn, thiếu kiến thức, tham lam, liều lĩnh, chơi margin future đòn bẩy chứ không phải đầu tư dài hạn.
>> 'Chẳng ai mua Bitcoin làm tài sản tích trữ'
Nếu Bitcoin là thứ gì đó dễ hiểu thì ai cũng giàu rồi, phải ko? Cái gì cũng có lý do của nó cả. Mỹ đã chấp thuận Bitcoin ETFs và được thị trường truyền thống đón nhận, nhiều quốc gia đã đầu tư hàng tỷ USD để đào Bitcoin, nhiều thành phố hợp tác với các xưởng đào Bitcoin để cung cấp điện giá rẻ cho người dân, một số quốc gia chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ hợp pháp... Tất cả những thứ đó chính là giá trị thực tế mà Bitcoin mang lại.
Tóm lại, nếu có đầy đủ kiến thức về Bitcoin và đầu tư dài hạn thì nó rất an toàn chứ không hề rủi ro như nhiều người nghĩ. Tôi cũng có một giai đoạn buồn chán nên cũng tham gia mấy hội nhóm trade, trải nghiệm được vài tháng, tuy không thua lỗ gì nhưng thấy không thích nên bỏ và quay về con đường đầu tư dài hạn. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần thời gian, trải nghiệm, và đôi khi là những thất bại, đó là việc bình thường. Ít ai thành công ở ngay lần đầu tiên.
Tôi dành một năm tìm hiểu Bitcoin và dồn toàn bộ tài sản của mình vào đó. Tôi chỉ mua spot, không chơi đòn bẩy. Nếu Bitcoin thất bại, kiến thức của tôi sai, tôi sẽ tự chịu. Chứ chẳng có cá mập hay dao động gì làm tôi lung lay tinh thần, vội vàng bán tháo được cả".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.