Tỷ phú Mark Cuban (một trong những "cá mập" ngồi ghế nóng Shark Tank Mỹ từ năm 2011 đến nay) - người luôn ủng hộ tiền số, vẫn quyết tâm đầu tư vào Bitcoin và bày tỏ quan điểm thích tài sản kỹ thuật số hơn vàng. Bất chấp Bitcoin đã mất hơn 60% giá trị so với đỉnh hồi tháng 11/2021, ông vẫn bày tỏ sự lạc quan và tiếp tục mua vào nhiều hơn.
Nói về tương lai của tiền số nói chung và Bitcoin nói riêng, độc giả Kevin cho rằng: "Tiền là phải do ngân hàng trung ương phát hành, chứ mấy thứ tiền ảo cá nhân nào cũng có thể tạo ra thì sao gọi là tiền? Nguồn cung tiền ra nền kinh tế cũng phải do ngân hàng trung ương tính toán, lúc nào thì cần bơm thêm ra, lúc nào thì phải hút vào. Và thông thường mỗi năm phải in thêm một lượng tiền nhất định, tương ứng với số lượng hàng trao đổi tăng lên.
Trong khi đó, Bitcoin số lượng có hạn, nên không thể in thêm để cung ra nền kinh tế. Còn những thứ có thế in thêm bao nhiêu tùy thích như đồng Luna thì hoàn toàn vô giá trị. Nếu công nghệ blockchain có nhiều ưu việt, thì các ngân hàng trung ương ắt sẽ nghiên cứu để tạo ra đồng tiền dựa trên công nghệ này. Chứ những thứ tiền ảo do các cá nhân hay tổ chức hiện nay mãi không thể là tiền đúng nghĩa được. Nó chỉ có giá trị sưu tầm cho những người thích, giống như tranh, tem, đồ cổ... Tức là đối với người này nó có thể đáng giá hàng triệu USD, nhưng đối với người khác nó chỉ đáng giá '0 đồng'".
Đồng quan điểm, bạn đọc NTB đánh giá: "Đó chính là yếu điểm chết người của Bitcoin. Với số lượng hạn chế cùng những thất thoát ban đầu, Bitcoin không còn đủ số lượng để phổ biến tới hơn bảy tỷ người (phổ biến được cùng với giá ngất ngưởng thì con số thập phân là quá lớn, dễ gây nhầm lẫn). Do đó, nó chỉ còn tính chất sưu tập, đối với một bộ phận rất nhỏ người chơi. Chỉ những ai đang nắm giữ mới kỳ vọng và níu kéo Bitcoin. Tiền số sẽ phát triển và trở nên phổ biến (khi các chính phủ tìm ra giải pháp và pháp định nó), kèm theo đó là cái chết không lời trăn trối của Bitcoin, một quy luật tất yếu không thể đảo ngược".
>> 'Tiền ảo chẳng khác gì trò chơi đa cấp'
Ví đầu tư Bitcoin như cuộc chơi xem ai rút chân trước, độc giả Bui Louis nhận định: "Bitcoin chỉ là một quả bóng bóng to, người người tranh nhau bỏ tiền vào mua, mong rằng có những người trong tương lai sẽ mua lại của mình với giá cao hơn. Và những người mua trong tương lai cũng nuôi hy vọng sẽ có người khác nữa mua lại của mình. Cứ như vậy, cả bầy cá xếp hàng theo từng đàn chui vào cái hố. Còn trong cái hố đó có gì thì chẳng ai cần biết, chỉ cần biết mình vào trước sẽ bán lại cho người vào sau, rồi người vào sau hy vọng sẽ bán tiếp cho người sau nữa. Vòng xoáy này rất hấp dẫn những cũng đầy rủi ro".
Trong khi đó, cho rằng vấn đề của Bitcoin không nằm ở riêng số lượng, bạn đọc Kien Nguyen nêu quan điểm: "Vấn đề của Bitcoin nằm ở giá trị thật của nó chứ không phải là mức khan hiếm. Một bông hoa hiếm có thể bị bơm thổi tới ngàn lượng vàng nếu cứ người nọ bán giá gấp đôi cho người sau. Nhưng một khi người ta nhận ra bông hoa này thực chất chẳng đẹp, chẳng thơm, thì nó sẽ chẳng có giá một xu nào.
Kim cương cũng khan hiếm nhưng nó tạo ra các loại trang sức trân quý, thể hiện đẳng cấp, nên giá nó có cao có thấp thì nó vẫn có giá trị thực. Vàng được sử dụng tương tự, một mặt khác vàng là một dạng tài sản giao dịch tiêu chuẩn ở cấp quốc gia, nên nó dù không có tác dụng thực tế thì nó vẫn có giá trị. Cái đó Bitcoin không thể làm được.
Khi các tài phiệt nói vẫn thích, vẫn trung thành... với Bitcoin thì có nghĩa họ đã và vẫn đang thoát khỏi thứ tài sản đó. Vì khi họ phát đi thông điệp thì thanh khoản mua sẽ tăng và thị trường sẽ cần người bán. Nhờ đó, họ sẽ bán với giá tốt mà chẳng làm thị trường đỏ lửa. Cho nên, với mọi loại hình đầu tư hiện nay, mỗi người cần phải hiểu thông điệp ngược".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.