Đối với nhiều người, cuộc chơi tiền số giờ đã không còn là một cơ hồi làm giàu mà là sự đánh cược vào tương lai. Khi toàn bộ thị trường tiền mã hóa lao dốc, "mùa đông crypto" ập đến, những người từng dồn hết tài sản, niềm hy vọng vào tiền ảo cũng rơi vào cảnh trắng tay. Nhiều người thậm chí còn mang nợ cả đời.
Cũng có người quen rơi vào tình cảnh tương tự, độc giả Hà Lan chia sẻ: "Cậu em cạnh nhà tôi tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, là niềm tự hào của cả gia đình và dòng họ. Gia đình không em có gì ngoài mấy sào ruộng, một ao cá và một người anh tật nguyền. Một ngày đẹp trời, cậu báo nợ 400 triệu đồng do vay tín dụng đen để chơi Bitcoin. Mẹ cậu ngất tại chỗ vì sốc, còn người bố đích thân ra thủ đô để lôi con về quê.
Vất vưởng được vài tháng, cậu thề sống thề chết để xin quay lại Hà Nội vì ở quê không kiếm nổi việc làm. Ra thủ đô được một tháng, cậu lại báo về nhà nợ tiếp 200 triệu đồng vì tiền ảo. Khoản nợ trước, bố mẹ cậu chạy vạy, vay mượn khắp nơi vẫn chưa trả xong để cứu con, thì nay lại thêm khoản nợ mới, khiến họ không còn thiết sống nữa. Đúng là một bi kịch với những người bị mờ mắt bởi sức hút của tiền ảo. Nhiều khi, tôi không hiểu con người ta bị cái gì nữa?".
Nói về sai lầm của nhiều người khi mù quáng đầu tư tiền ảo, bạn đọc Nguyễn Trung Hiếu cho rằng: "Khi tiền số đang leo giá, ai đó nói tiền số không có giá trị gì thì lập tức bị đám đông 'ném đá' không thương tiếc. Nhiều người con tuyên bố chắc nịch rằng tiền số là tương lai thế này, thế kia. Kể cả khi Bill Gates cảnh báo rủi ro của loại hình đầu tư này, họ vẫn xem những lời ông nói như của kẻ chậm tiến, bảo thủ, không hiểu về tương lai...
Đến khi họ phát hiện Elon Musk 'lùa gà' ghê gớm như thế nào thì lại tắc lưỡi 'ném lao phải theo lao'. Và cuối cùng, khi Elon Musk vẫn là kẻ giàu nhất nhì, thì họ (những 'con gà bị lùa') đang chiêm nghiệm bài học mà trước đó bao nhiêu người đã cảnh báo. Bài học thực tế bao giờ cũng 'thấm' hơn lý thuyết. Nhưng khi học lý thuyết ai cũng bảo nó chẳng áp dụng gì vào thực tiễn. Cũng đúng thật, vì họ không áp dụng vào thực tiễn nên mới đau thương như vậy".
>> Ôm mộng đổi đời khi Pi có giá
Chứng kiến nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn vì tiền ảo, độc giả Trần Lâm chỉ ra bản chất của đồng tiền này: "Ngoài việc 'đi tìm kẻ ngốc hơn' của những 'cá mập' trong thị trường tiền số, tôi nghĩ có một vài yếu tố tạo ra cơn khủng hoảng tiền số hiện nay:
Thứ nhất, nền kinh tế thế giới bị lạm phát do khủng hoảng vì dịch Covid-19. Để tìm một kênh đầu tư cho lượng tiền này là không dễ dàng, nên tiền số, NFT... bỗng trở thành một mối quan tâm lớn.
Thứ hai, thời gian dịch bệnh, nhiều người rảnh rỗi, có thời gian online nên đầu tư chứng khoán, tiền số cao kỷ lục. Những khoản đầu tư này được thực hiện online rất dễ dàng trong lúc giãn cách xã hội.
Thứ ba, lòng tham của con người chưa bao giờ có đáy.
Thứ tư, internet là một kênh cực kỳ hiệu quả trong khuếch trương cả điều tốt lẫn điều xấu. Nhiều người đầu tư theo xu thế, đám đông vì trên internet thấy ai ai cũng nói về tiền số, từ đó dễ có tâm lý hùa theo đầu tư.
May mắn, trong mùa dịch, tôi dành thời gian để đọc sách và doanh nghiệp mình chuyển đổi số từ sớm nên công việc trong giai đoạn này cũng ít bị ảnh hưởng. Thế nên, tôi cũng không dính vào tiền ảo. Mong các bạn trẻ, các công ty làm IT ở Việt Nam hãy tập trung phát triển phần mềm (CRM, ERP, HRM, BI...) có ích cho doanh nghiệp, thay vì tối ngày blockchain, tiền ảo, NFT...".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.