Tôi từng có một quãng thời gian thôi làm công việc sales - marketing vì quá căng thẳng và áp lực. Lúc đó, thực ra tôi làm không vì đam mê. Cũng chính vì không yêu công việc của mình nên kết quả làm việc của tôi chỉ ở mức làng nhàng. Càng vậy, tôi càng nghĩ mình dở, cho rằng công việc này không phù hợp với bản thân mình. Một phần khác, vì không bị quá áp lực về mặt kinh tế, nên tôi quyết định viết đơn xin nghỉ việc.
Lá đơn xin nghỉ việc của tôi sau đó đã không được vị sếp người nước ngoài chấp nhận. Thay vào đó, sếp cho phép tôi rút ra khỏi công việc hiện tại, nhưng vẫn giữ tôi lại để phụ trách một mảng khác. Tất cả xuất phát từ niềm tin mà ông ấy dành cho tôi. Lúc đó, tôi ngờ rằng, đây lại chính là điều may mắn nhất mà tôi có được.
Sau vài năm đi làm ở một vị trí mới, với tâm trạng hết giờ là hết việc, không còn phải căng não mỗi ngày, và khi quanh mình là các đội sales - marketing vẫn làm việc quay cuồng, kể cả người sếp có tuổi cũng bận rộn với biết bao công việc và trách nhiệm... tự nhiên, tôi thấy mình thừa thãi, "ngoài lề". Tôi nhớ cái cảm giác được "cãi nhau" với sếp, tranh luận với khách hàng, nhớ cảm giác lúc chốt được đơn hàng... - thứ mà một nhân viên sales nào cũng từng trải qua.
Và rồi, tôi hiểu ra rằng, những kỳ nghỉ chỉ thực sự vui khi lâu lâu mới được nghỉ một lần. Còn nếu suốt năm này, tháng nọ đều là những kỳ nghỉ nối tiếp nhau thì mọi thứ không còn nhiều ý nghĩa nữa. Cuối cùng, tôi xin sếp được quay về làm sales. May mắn thay, sếp đồng ý. Và lần này, dù bản chất công việc vốn dĩ vẫn như thế, nhưng tôi đã đón nhận với một tâm thế rất tích cực và không còn thấy mệt mỏi hay muốn nghỉ việc nữa.
>> Vỡ mộng nghỉ hưu sớm với tài sản 30 tỷ đồng
Theo một khảo sát với 2.019 đối tượng từ 30-44 tuổi do Viện Khoa học Lao động và Xã hội và Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học phối hợp thực hiện, hơn 52% số người thành thị có ý định về hưu sớm ở độ tuổi 45-55, và khoảng 38,93% dự kiến nghỉ hưu ở độ tuổi từ 55 đến dưới tuổi quy định. Tuy nhiên, đi kèm theo mong muốn này là áp lực từ bài toán thu nhập, tiết kiệm và đầu tư trong hiện tại và tương lai ngày càng tăng cao.
Khảo sát cũng cho thấy, nguồn tài chính để về hưu phần lớn đến từ các khoản lương hưu hoặc các khoản tiết kiệm. Dù vậy, tỷ lệ dự kiến có nguồn thu nhập từ lương hưu còn chưa cao, chỉ chiếm 32,43%, đi cùng đó là tỷ lệ người tham gia BHXH và kỳ vọng về thu nhập đủ sống từ hưu trí còn khá thấp. Khảo sát còn cho thấy, mặc dù tỷ lệ mong muốn độc lập khi về già ở mức khá cao, nhưng tỷ lệ lên kế hoạch chỉ ở mức 28,4%.
Rõ ràng, để chuẩn bị cho cuộc sống về hưu như mong đợi, ngoài việc chuẩn bị một sức khỏe tốt, bạn còn cần phải nâng cao mức thu nhập từ việc làm. Về lý thuyết là vậy, nhưng thách thức ở đây là phần lớn những người trẻ vẫn còn đang có mức thu nhập thấp, thậm chí chưa đủ lo cho cuộc sống hiện tại đã nghĩ đến chuyện về hưu, hưởng thụ sớm. Đó là một thách thức không nhỏ cho bản thân họ và xã hội.
Nói gì thì nói, nghỉ hưu sớm vẫn có nhiều khía cạnh rất thú vị. Chỉ có điều nó không dành cho tất cả, kể cả người đã tiết kiệm đủ tài chính. Hãy suy nghĩ thật kỹ, đảm bảo mình đã có một kế hoạch vẹn toàn và sẵn sàng đối mặt với vô vàn thách thức trước khi quyết định nghỉ hưu từ sớm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.