Tôi vẫn nhớ như in cảm giác vui sướng đến mức nhảy cững lên khi nhận được giấy báo đậu Đại học Ngoại Thương. Ngày ấy, để lo được tiền cho tôi đi Sài Gòn học ba mẹ đã làm việc rất chăm chỉ, ngày khăn gói lên Sài Gòn ba đưa tôi 30 triệu đồng và bảo đây sẽ là tiền sinh hoạt trong bốn năm đại học, ba mẹ muốn con tự biết cách cân đối chi tiêu và làm ra được đồng tiền để xoay sở, tiền học ba mẹ sẽ đóng trực tiếp cho trường, đồ ăn sẽ gửi lên đều đặn cho con.
Bài học đầu tiên
Đối với tôi số tiền 30 triệu thời điểm đó thực sự rất lớn, với suy nghĩ non nớt mình sẽ tự lo được trong 4 năm với số tiền này, mình cũng không phải một đứa thích đàn đúm ăn chơi. Nhưng câu chuyện tài chính luôn là bài toán khó giải với một người con tỉnh lẻ cố gắng bám trụ và sinh sống ở thành phố hoa lệ.
Tôi ở chung nhà với họ hàng nên không phải tốn tiền thuê nhà, còn lại hầu hết các khoản khác như ăn uống, mua dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân, đều dùng đến khoản tiền ba mẹ đã cho tôi trước khi lên Sài Gòn. Những ngày đầu không có quá nhiều khó khăn, tôi mê mẩn với các hàng quán ăn độc lạ tại nơi đây, đặc biệt là những món trà sữa bắt vị giác hơn dưới quê tôi. Chưa kể những lần đi chơi với bạn bè khiến tôi lạm dụng số tiền ấy, tôi nhớ 3 tháng đầu tiên tôi đã tiêu gần 10 triệu, mất hết cả một phần ba số tiền mà tôi sẽ phải cân đối trong 3 năm tiếp theo.
May mắn thay, là một người kỹ tính nên tôi ghi chép những khoản đã chi và tính toán về việc phân chia số tiền thế nào để sống sót tận 4 năm ở đây. Tôi không muốn ba mẹ phải lo lắng nhiều về mình và tôi nghĩ đây cũng là bài học đầu đời mà ba mẹ muốn tôi giải được.
Để ba mẹ an tâm về mình, tôi tự nhủ bản thân phải cân đối được cuộc sống và "số vốn" đầu đời này. Tôi bắt đầu phân số tiền này cho các tháng, vạch ra các khoản chi tiêu thiết yếu cần bao nhiêu và tôi còn lại bao nhiêu để phục vụ cho việc giải trí đi chơi cùng bạn bè. Tôi nhận ra với số tiền này dù có tiết kiệm như thế nào cũng không đủ cho 4 năm, nên tôi quyết định sẽ cố gắng chuyên tâm học 2 năm đầu, đầu tư hơn vào học ngôn ngữ, từ năm thứ 3 sẽ vừa học vừa đi làm để lấy kinh nghiệm lại thêm thu nhập để xoay sở, mặt khác tôi vẫn để một khoản nhỏ dự trù cho năm 3 nếu tìm việc làm chưa có ngay được.
Hành trình cố gắng
Cứ thế 4 năm đại học trôi qua, tôi đã sử dụng tốt số tiền ba mẹ cho, và thậm chí gia tăng nó hơn qua các công việc làm thêm từ đại học. Tôi không ngại trải nghiệm bất cứ công việc gì có thể kiếm tiền mà không ảnh hưởng đến việc học, vì cố gắng đầu tư học Tiếng Anh trong 2 năm đầu nên tôi được chọn làm trợ giảng các khóa học tiếng anh online cho người đi làm. Đây là công việc mang lại thu nhập tốt nhất mà không quá cực.
Để trải nghiệm nhiều hơn, tôi còn ứng tuyển làm cộng tác viên cho các dự án truyền thông của trường. Đến năm 4 đại học, tôi bắt đầu đi thực tập tại doanh nghiệp, với chuyên ngành tổ chức sự kiện, tôi mạnh dạn apply vào các công ty truyền thông lớn, may mắn được nhận và mời về làm chính thức nên đây cũng là chỗ làm hiện tại của tôi.
Sau khi tốt nghiệp, có công việc ổn định tôi dọn ra ở riêng, thuê nhà gần công ty cho tiện di chuyển. Tiền thuê nhà thời điểm đó tầm 3 triệu đồng, các khoản điện nước và ăn uống tốn khoảng 2 triệu đồng. Với cách chi tiêu có tính toán được tập từ thời đại học nên tôi hoàn toàn có thể cân đối được tài chính và tạo ra khoản dư tiết kiệm cho các mục tiêu lớn hơn. Tôi không ngừng cố gắng tại các dự án của công ty, ngoài giờ làm tôi vẫn duy trì việc làm trợ giảng khóa học tiếng Anh, các khóa học diễn ra 3 buổi một tuần, mỗi buổi diễn ra 2 tiếng, nên tôi vẫn chừa ra các khoảng thời gian trống để xây dựng dự án cá nhân, bắt tay khởi tạo thương hiệu cá nhân từ việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đến việc tạo ra các sản phẩm mang dấu ấn riêng của bản thân. Việc được sắp xếp thời gian biểu để phân chia thời gian cho một tuần khiến tôi cảm thấy vui vì tôi thích cảm giác được bận rộn. Tôi vẫn luôn đi theo phương châm "tiết kiệm song song đầu tư", cũng nhờ vậy nên tôi đã đạt được mục tiêu đầu tiên, cũng là mơ ước từ năm 3 đại học - lúc mới bắt đầu đi làm. Tôi đã mua được nhà ở Sài Gòn.
Trái ngọt đầu tiên
Năm 2016, làm nhiều công việc cùng lúc cộng với việc luôn tích lũy theo từng tháng thu nhập, tôi đã tiết kiệm được 300 triệu đồng. Đến năm 2019, cũng là lúc chạm ngưỡng 29 tuổi, tôi quyết định mua nhà 1,5 tỷ đồng. Ngôi nhà vừa đủ không gian cho một cô gái độc thân như tôi.
Việc chuẩn bị tài chính để mua nhà là một thách thức lớn khi tôi phải tự mình tìm hiểu tất thảy các thể loại giấy tờ. Tôi chọn phương án vay một ít để có thể đầu tư chi phí vào việc trang trí nhà, vì trước đây khi còn mơ ước về một ngôi nhà, tôi đã luôn tự nhủ đó phải là một không gian đúng ý tôi nhất để tôi có thể đắm mình vào đó sau ngày dài mệt mỏi với công việc.
Với tôi, mua nhà cũng là một trải nghiệm khá thú vị và đau đầu vì hành trình tìm ý tưởng thiết kế nhà, tìm nội thất phù hợp tốn rất nhiều thời gian. Nhưng tôi lại không thấy mệt mỏi với hành trình ấy lắm vì tôi biết mình sắp đạt được mơ ước, mục tiêu lớn đầu tiên trong đời, sắp tự hào nói với ba mẹ, cám ơn ba mẹ vì bài học đầu đời về tiền mà ba mẹ đã dạy tôi.