Phiên điều trần ngày 27/5 trước quốc hội của Dominic Cummings, cựu cố vấn của Thủ tướng Anh Boris Johnson, hé lộ những sai lầm trong cách thức chống dịch ban đầu của Anh. Ông Cummings chỉ trích chính phủ khi ấy từ chối học theo mô hình ngăn Covid-19 của Đông Á, dẫn đến thất bại khi để hàng trăm nghìn trường hợp nhiễm và hàng nghìn người tử vong mỗi ngày.
Theo James Crabtree, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, nhận định của ông Cummings đúng theo nhiều khía cạnh. Phản ứng ban đầu của của Anh trước đại dịch thực sự là một mớ hỗn độn. Tuy nhiên, trong câu chuyện được ông Cummings miêu tả là gần như điên rồ này, vẫn có những bài học rút ra từ sự thất bại ban đầu của phương Tây. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh Đông Á và Đông Nam Á đang vật lộn với các đợt bùng phát mới với những biến thể nguy hiểm, khó lường.
Bài học đầu tiên và rõ ràng nhất là vai trò quan trọng của một chính phủ phải có đủ nguồn lực để chống lại khủng hoảng như Covid-19. So với nhiều quốc gia châu Á, các nước châu Âu chi tiêu mạnh tay hơn cho chính phủ. Song, trước Covid-19, bộ máy Anh từng rơi vào tình trạng thiếu ngân sách sau khủng hoảng tài chính năm 2008, rồi lại bị cuốn vào vấn đề Brexit. Kết quả, Anh bước vào đại dịch với bộ máy hành chính ọp ẹp, thiếu định hướng, không thể đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng y tế trăm năm có một.
Bài học thứ hai: Các chiến lược thành công trong một thời kỳ nhất định chưa chắc sẽ hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo. Nhiều nước châu Á - từng là mẫu hình trong ứng phó tốt với đại dịch - hiện gặp khó khăn vì thiếu vaccine hoặc khó khăn trong triển khai tiêm.
Những thách thức trên một phần bắt nguồn từ việc mua vaccine chậm trễ hoặc liên quan đến hệ thống y tế không tập trung ở các nước như Malaysia và Thái Lan. Việc kiểm soát đại dịch không chỉ đòi hỏi kế hoạch từ ban đầu tốt, mà còn cần đầu tư dài hạn vào hệ thống y tế và khả năng quản lý cấp nhà nước.
Cuối cùng là bài học về sự thích ứng không ngừng. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của những nền kinh tế đã chống dịch tốt, cụ thể là các "pháo đài" như Australia, New Zealand và Đài Loan.
Theo ông Crabtree, nhóm này hiện phải đối mặt với tình huống khó xử, phức tạp mà ông từng gọi là "lời nguyền của kẻ chiến thắng". Các chuyên gia cho rằng Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất mà trở thành một dịch bệnh đặc hữu trên toàn cầu. Do đó, các quốc gia phương Tây - từng chống dịch thất bại - nay lại có lợi thế, do họ đã chuẩn bị sẵn sàng để kiểm soát Covid-19 thay vì xóa sổ virus.
Trái lại, nhiều quốc gia châu Á sẽ bước vào một quá trình chuyển đổi phức tạp hơn. Khi đạt mức độ tiêm chủng cao, những nền kinh tế như Australia và Đài Loan có thể phải từ bỏ các chiến lược cứng rắn, quyết liệt. Điều này đồng nghĩa chấp nhận số người nhiễm bệnh, thậm chí tử vong do Covid-19 tăng cao hơn, đổi lại kinh tế mở cửa trở lại. Quản lý quá trình chuyển đổi này và giải thích hướng đi mới cho công chúng sẽ không dễ dàng.
Dấu hiệu chuyển hướng trong chiến lược ứng phó với đại dịch đã xuất hiện ở châu Á. Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính Singapore, gần đây đề cập tới "một kịch bản hợp lý". Theo đó, virus sẽ không bao giờ biến mất và mọi người phải học cách sống chung.
Trong bài phát biểu ngày 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói về tình trạng "bình thường mới" khi người dân phải chấp nhận xét nghiệm Covid-19 thường xuyên hơn và tiêm chủng. Đây cũng có thể là một phần trong chiến lược kiểm soát dịch mới của Singapore.
"Trong bối cảnh bình thường mới, ta sẽ phải học cách sống chung với virus. Mục tiêu của chúng ta là giữ cho toàn thể cộng đồng khỏe mạnh, đồng thời chấp nhận sẽ có người nhiễm – giống như cách ta đã làm với bệnh cúm hoặc sốt xuất huyết. Chúng ta cũng không hoàn toàn đóng cửa biên giới. Ta cần lương thực, nhu yếu phẩm, lao động, đối tác kinh doanh và khách du lịch. Ta phải giữ kết nối với thế giới trong khi kiểm soát biên giới hiệu quả để đảm bảo an toàn cho quốc gia", ông Lý nói.
Mai Dung (Theo Nikkei Asia)