Hàng nghìn người đã được tiêm phòng trong các phiên thử nghiệm lâm sàng của hãng Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson (J&J). Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine Pfizer có hiệu quả 95% trong ngăn ngừa Covid-19, tỷ lệ tương tự ở Moderna là 94,5%, Johnson & Johnson 72%. Tuy nhiên, rất khó để so sánh ba thử nghiệm vì chúng diễn ra ở các địa điểm và thời gian khác nhau. Giờ đây, các nghiên cứu dựa trên chiến dịch tiêm chủng thực tế đã đưa ra bằng chứng rõ ràng hơn về tác dụng của vaccine và khả năng chống lại các biến thể mới.
Theo một nghiên cứu của CDC dựa trên 500.000 nhân viên y tế đã được tiêm chủng đầy đủ, hai mũi vaccine của Pfizer và Moderna có thể giảm 94% nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng liên quan tới Covid-19.
Một báo cáo vào tháng 3 của CDC cho thấy một liều vaccine Pfizer hoặc Moderna có hiệu quả 80% trong ngăn ngừa Covid-19 không có triệu chứng. Hiệu quả lên tới 90% sau khi tiêm hai liều. Nghiên cứu tại Israel cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả 94% trong phòng chống bệnh không có triệu chứng. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy vaccine giúp giảm khả năng lây truyền virus.
Ngoài ra, nghiên cứu từ chiến dịch tiêm chủng Isarel đăng trên Tạp chí Lancet hồi đầu tháng 5 cũng tiết lộ, vaccine Pfizer giúp bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do bị bệnh nặng là 97%, bảo vệ khỏi tử vong là 96%. Vaccine giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm khi tiêm tới 50% dân số, và khi độ bao phủ đạt 72%, các đợt bùng dịch dường như không xuất hiện.
Vaccine J&J cũng có hiệu quả thực tế khớp với kết quả thử nghiệm. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra J&J có tác dụng phòng bệnh khoảng 76%. Thử nghiệm lâm sàng trước đó ghi nhận độ hiệu quả 74% trong ngăn ngừa bệnh không có triệu chứng.
Cả ba loại vaccine đều được chứng minh hiệu quả cao đến mức ngày 13/5, CDC thay đổi hướng dẫn, cho phép người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ có thể bỏ khẩu trang hoặc không cần giãn cách khi tham gia các hoạt động trong nhà hay ngoài trời. Anne Rimoin, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, Los Angeles, nhận định: "Quyết định này nhấn mạnh sự tin tưởng của chúng tôi đối với vaccine và khả năng bảo vệ của chúng".
Khi các biến thể của nCoV bắt đầu lây lan rộng rãi vào tháng 12/2020, một số nhà khoa học lo ngại rằng vaccine Pfizer hoặc Moderna sẽ bị giảm tác dụng. Song, một nghiên cứu lớn về những người được tiêm vaccine Pfizer ở Israel cho thấy các biến thể mới không làm giảm hiệu quả của vaccine.
Từ tháng 1 đến tháng 3, Bộ Y tế Israel đã thu thập dữ liệu từ hàng triệu người sử dụng vaccine Pfizer. Vào thời điểm đó, biến thể B.1.1.7 từ Anh đang chiếm ưu thế ở Israel. Vaccine Pfizer vẫn có hiệu quả ít nhất 97% đối với các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng, phải nhập viện hoặc tử vong.
Nghiên cứu mới ở Qatar được công bố trên Tạp chí Y khoa New England nhận thấy hai mũi vaccine Pfizer giúp giảm 75% nguy cơ mắc Covid-19 do biến thể B.1.351 từ Nam Phi và 90% đối với biến thể B.1.1.7 từ Anh.
Thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Covid-19 có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ trong thời gian ngắn. Tuy vậy, một vài nghiên cứu mới chứng minh phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine Pfizer trên thực tế rất hiếm. Khoảng 63% người tham gia cuộc thử nghiệm vaccine này gặp tình trạng mệt mỏi, 55% bị đau đầu và 38% nhức mỏi cơ. Dựa trên dữ liệu ghi nhận được từ 28.000 người tiêm vaccine Pfizer trên ứng dụng điện thoại, các nhà nghiên cứu Anh phát hiện chưa đến 15% người bị mệt, dưới 14% người bị đau đầu và chỉ 5% bị đau cơ sau khi tiêm mũi đầu tiên hoặc mũi thứ hai.
Tuy nhiên, một số người tiêm vaccine J&J lại gặp chứng đông máu và giảm tiểu cầu, không hề xuất hiện trong thử nghiệm lâm sàng. Tính đến ngày 12/5, CDC ghi nhận 28 trường hợp gặp tác dụng phụ này trong số 8,7 triệu người được tiêm vaccine J&J. CDC cho rằng vaccine J&J nhiều mặt lợi hơn hại. Tính đến nay, tỷ lệ mắc chứng đông máu chỉ là ba trên một triệu, chủ yếu gặp ở phụ nữ dưới 50 tuổi. J&J đã dán nhãn cảnh báo về phản ứng phụ này của vaccine.
Mai Dung (Theo Insider, Lancet)