Khi nghe câu trả lời của tôi, cậu ta ngạc nhiên vô cùng. Ngày ấy, tôi chỉ mới là cô gái nhỏ mơ mộng, thích ngắm nhìn mọi thứ xung quanh và tưởng tượng, mơ ước. Vậy mà tôi lại phải gắn bó với nơi mà không ai muốn đến: Bệnh viện.
Dì tôi ngã bệnh. Dì không có con. Tôi và bà ngoại là hai người theo dì đi khắp các bệnh viện. Hơn hai năm trời ra vào bệnh viện, thời gian ở trong viện nhiều hơn ở nhà. Tôi không nhớ mình đã ở bao nhiêu cái bệnh viện, đã gặp bao nhiêu bác sĩ, y tá, bao nhiêu bệnh nhân cùng phòng với dì tôi? Tôi chỉ nhớ đa phần những người đi nuôi bệnh là người nghèo, ở tỉnh lên chữa bệnh giống như dì tôi. Không biết ngày đó đã có phòng dịch vụ chưa. Mà nếu có, chắc gia đình tôi cũng không đủ tiền. Bởi thế những người tôi gặp hầu hết là tầng lớp bình dân.
Trong trí nhớ của tôi, đó những căn phòng đầy giường kê gần nhau. Người theo nuôi bệnh, ngày thì ngồi cùng giường với bệnh nhân, đêm thì trải chiếu nằm dưới đất, ngoài hành lang. Ban ngày, lúc nào cũng ồn ào, đủ loại âm thanh. Đêm có khi cũng chẳng được yên tĩnh khi có bệnh nhân nào đó không chịu nổi cơn đau, rên la cả đêm, và cả những ca cấp cứu giữa khuya.
Thoạt đầu không quen, tôi cảm thấy mệt mỏi khi nghe họ "tám" chuyện với nhau cả ngày, mệt mỏi cả khi những người nuôi bệnh ở các giường cùng phòng đến hỏi thăm dì tôi, bà ngoại tôi. Tôi cảm thấy họ có vẻ là những kẻ "tọc mạch", xâm phạm sự riêng tư của người khác... Nhưng sau một thời gian, tôi hiểu rằng tôi đã sai. Đó không phải là "nhiều chuyện" mà họ quan tâm, theo cách của họ, và đơn giản là vì không giống cách của tôi, nên lúc đầu tôi không cảm nhận được.
>> 4 thái độ bác sĩ khi tôi đi khám khối u
Ngày tháng cứ thế trôi qua. Lúc đầu tôi mang sách theo đọc, nhưng đọc mãi cũng chán. Tôi dành thời gian quan sát mọi thứ xung quanh, lắng nghe mọi âm thanh, và cũng tham gia vào câu chuyện với mọi người.
Vì tôi còn nhỏ nên thường được những người lớn tuổi thương yêu như con cái trong gia đình. Đôi khi họ còn đùa vui bảo tôi về làm con dâu, cháu dâu họ. Có lần, mấy hôm liền dì tôi đau nhức cả đêm. Tôi phải xoa bóp tay chân cho dì vì không muốn tiếng rên rỉ làm phiền mọi người xung quanh. Sáng dậy, chắc nhìn mặt mũi tôi bơ phờ vì thiếu ngủ, chú nuôi bệnh cạnh giường nói: "Mày tìm chỗ nào ngủ một chút đi con, để chú trông chừng dì cho, có gì chú sẽ kêu". Rồi chú cười khà khà: "mà có gì thì tao kêu y tá chứ mày cũng có biết gì mà làm". Rồi có buổi sáng, cô Ba – cũng là người nuôi bệnh - đưa tôi gói xôi: "Mắt cô to hơn cái bụng, mày ăn bớt giùm cô một gói". Và tôi không nhớ hết những cô, dì, chú, bác, anh, chị... tôi từng gặp qua. Tôi chỉ nhớ họ rất mộc mạc, bình dân và chân tình.
Tôi có rất nhiều điều đáng nhớ trong thời gian ở bện viện. Tôi nhớ nhất những buổi sáng. Trước giờ bác sĩ đến thăm bệnh, cả phòng rộn ràng như chuẩn bị đón khách quý. Mọi người ai cũng sắp xếp lại giường chiếu cho gọn gàng. Ai đi mua đồ ăn sáng hay đi lấy nước sôi đều bị nhắc nhở: "Nhớ về sớm nha, bác sĩ sắp đến rồi đó". Mọi người đều chuẩn bị những câu hỏi dành cho bác sĩ, rồi chờ đợi: "Sao hôm nay bác sĩ lâu đến quá".
Và khi bác sĩ (thường đi cùng một y tá) bước vào phòng, cả phòng như bừng tỉnh. Bệnh nhân nào có thể ngồi sẽ ngồi dậy, bệnh nhân nào không ngồi dậy được thì nằm nhưng vẫn mong ngóng về phía bác sĩ đang đứng, dù trước sau gì thì họ cũng sẽ được gặp. Họ làm tôi có cảm giác bác sĩ giống như "vị cứu tinh" của chúng tôi, ai cũng mong đến lượt mình để "cầu xin" một phép màu.
Bác sĩ đến từng giường bệnh và thường không đợi hỏi, bệnh nhân than thở ngay những câu: "Bác sĩ ơi sao tôi đau quá? Bác sĩ ơi sao uống thuốc mấy ngày rồi mà không thấy bớt bệnh? Bác sĩ ơi khi nào tôi được về nhà...". Và chưa hết, những người nuôi bệnh cũng lên tiếng: "Bác sĩ ơi, mẹ con hôm nay ăn cơm được chưa? Bác sĩ ơi, tối hôm qua chồng tôi không ngủ được, có thuốc nào mạnh hơn không?". Và tôi lại nghe: "Bác sĩ ơi... Bác sĩ ơi..."
Tôi như một cái máy thu âm tự động, thuộc tất cả âm thanh. Không biết từ lúc nào, tôi có thói quen khi nghe những câu hỏi kiểu "bác sĩ ơi" như thế, tôi tự mình trả lời các câu hỏi của mọi người (tất nhiên không thành tiếng), rồi lắng nghe câu trả lời của bác sĩ thăm bệnh, xem tôi có đoán trúng hay không? Và thường thì tôi đúng.
Thực ra, không có bác sĩ nào có câu trả lời cho những câu hỏi đầy tính chất mơ hồ, không cụ thể như thế. Bác sĩ luôn tập trung theo dõi tiến trình bệnh để có phương án chữa trị. Nhưng hầu hết các bệnh nhân không để ý điều đó. Họ cứ hỏi, cứ than thở, đến mức chẳng để ý rằng các câu trả lời của bác sĩ ngày nào cũng giống nhau. Nghe có vẻ khó hiểu. Nhưng tôi thì hiểu tại sao họ như thế. Vì họ tin vào các bác sĩ như tin vào vị thần hộ mệnh, mà có vị thần hộ mệnh nào lại từ chối lắng nghe và giúp đỡ chứ?
Tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến có những người nuôi bệnh không đặt câu hỏi với bác sĩ trước mặt người thân của họ (đa phần là người bệnh nặng). Họ thì thầm với bác sĩ khi họ sắp ra khỏi phòng, hay ở đâu đó trong phòng nhưng cách xa người thân của họ. Có lần một cô gái trẻ chạy theo, cố nói gì đó với bác sĩ khi ông ta sắp qua phòng kế bên. Vì ở xa nên tôi cũng không nghe được câu trả lời, tôi chỉ thấy cô gái lấy tay quệt nước mắt. Cô không quay trở lại giường ngay, phải một lúc sau tôi mới thấy cô trở vòng trong, gương mặt bình thản hơn, cô nói với người bệnh (lúc đó tôi mới biết là anh trai cô): "Anh ơi, bác sĩ nói lần này cho thuốc tốt lắm, anh uống chắc chắn sẽ bớt bệnh nhanh thôi". Tôi không biết đó thực sự là lời của bác sĩ hay là của chính cô gái. Tôi chỉ biết sau khi anh trai cô ngủ thiếp đi, cô bước ra hành lang ôm mặt khóc...
Rôi lại có lần, sau khi thăm bệnh xong, Bác sĩ chuẩn bị bước ra khỏi phòng thì gặp một chị dắt một cháu nhỏ bước vào: "Chào bác sĩ đi con". Cháu bé ngoan ngoãn khoanh tay chào rất lễ phép. Vị bác sĩ xoa đầu cháu bé hỏi: "Con đi thăm ai?" - Cháu bé đáp: "Dạ, con đi thăm bà ngoại". - Vị bác sĩ nói: "Con ráng học giỏi thì bà ngoại sẽ mau hết bệnh về nhà với con nha". Nói xong, vị bác sĩ bước ra khỏi phòng để qua thăm các bệnh nhân phòng kế bên. Đứa bé chạy ào đến giường bà ngoại, nói như reo lên: "Bác sĩ nói con ráng học giỏi là Ngoại sẽ hết bệnh đó".
Mọi người trong phòng lặng lẽ quay mặt đi, không ai nói lời nào. Bà ngoại cháu bé bị xơ gan cổ trướng, bụng đã to vượt mặt. Bác sĩ đã bảo bà không còn nhiều thời gian. "Thần hộ mệnh" không thể có mặt ở nhiều nơi cùng một lúc. Nước mắt tôi đã chảy tự bao giờ.
Và đó là những câu chuyện buổi sáng khi bác sĩ đến khám. Còn sau khi Bác sĩ ra khỏi phòng, lại là một không khí hoàn toàn khác. Nếu trước đó là những câu: "Bác sĩ ơi... Bác sĩ ơi...", thì bây giờ là: "Bác sĩ nói má phải uống thuốc, thêm ba ngày nữa sẽ hết bệnh", "bác sĩ nói con phải chịu khó ngồi dậy đừng nằm nhiều", "bác sĩ nói bà phải ăn nhiều mới mau hết bệnh". "Bác sĩ nói... bác sĩ nói..."
Tôi cũng không ngu ngơ đến mức không nhận ra sự "gian lận" của một số người nuôi bệnh, lợi dụng lời bác sĩ để yêu cầu bệnh nhân làm những việc mà chỉ có "bác sĩ nói" thì họ mới chịu làm. Và lúc này, tôi nhận ra rằng, ngoài chức năng khám chữa bệnh, các bác sĩ còn mang một sứ mạng cao quý hơn, họ mang đến sự lạc quan cho mọi người, và trên tất cả họ là hiện thân của niềm hy vọng.
>> 'Đừng lấy lương tháng đánh giá lương tâm bác sĩ vì họ cũng cần tiền để sống'
Không hiểu do lúc đó tôi là một cô gái lãng mạn, mơ mộng, hay thời gian tôi ở trong bệnh viện quá lâu? Với tôi hình ảnh chiếc áo blouse trắng mang ý nghĩa rất đặc biệt. Nó không đơn giản chỉ là đồng phục của các bác sĩ, nó mang ý nghĩa rất thiêng liêng với tôi. Cứ mỗi lần bác sĩ bước vào phòng với chiếc áo blouse trắng, tôi có cảm giác họ giống như thiên sứ được bề trên cử xuống giúp người nghèo, người bệnh. Tôi không biết thiên sứ có đẹp thật không, nhưng với tôi hình ảnh bác sĩ với chiếc áo blouse trắng thật sự đẹp, rất đẹp.
Đã có lần, một vị bác sĩ trước khi về nhà ghé ngang phòng, dặn dò một bệnh nhân điều gì đó, lúc đó bác sĩ không khoác áo blouse trắng. Thật sự tôi hơi thất vọng. Tôi thấy sao bác sĩ nhìn "khác" quá, nếu không muốn nói là "thường" quá... Nhưng sáng hôm sau, cũng vị bác sĩ đó, nhưng lúc này trên người là chiếc áo trắng yêu thương, tôi thấy vị bác sĩ trở về đúng hình ảnh một "thiên sứ". Tôi tự nói với mình, nếu một ngày nào đó tôi có người yêu là bác sĩ, tôi sẽ không cho phép anh ta hôn tôi trong khi đang mặc trên người chiếc áo blouse trắng, với tôi đó là "thiên sứ", mà tôi thì không dám hôn một thiên sứ...
Có lần, một anh chàng bác sĩ này khá trẻ so với các Bác sĩ tôi thường gặp, đến khám cho dì tôi. Sau khi khám bệnh, dặn dò tôi xong, anh ta hỏi tôi: "Em không hỏi gì thêm à?" - Tôi nói: "Dạ không, bác sĩ đã cho em biết những gì cần làm cho dì em rồi". - Anh ta nói tiếp: "Em không quan tâm khi nào dì em hết bệnh à?"
Tôi tự hỏi anh ta có đọc kỹ bệnh án của dì tôi không? Với ngần ấy thời gian ở bệnh viện, với danh sách các loại bệnh trong người của dì, liệu tôi có cần thiết phải hỏi không? Tôi trả lời bác sĩ mà cứ như nói với chính mình: "Em tin vào số phận".
Bất chợt, anh ta cúi người thật thấp, nói nhỏ như chỉ đủ mình tôi nghe: "Anh cũng tin vào số phận". Và sau đó anh ta nhìn tôi, nheo mắt, mỉm cười, và bước ra khỏi phòng. Tôi vẫn nhớ mãi nụ cười đó, nụ cười có chút giễu cợt, tinh nghịch nhưng rất ấm áp, đôn hậu, tình người.
Tôi đã sống trong một thế giới như thế, một thế giới tràn đầy những cung bậc cảm xúc. Tôi từng được chứng kiến nỗi đau về thể xác của nguời bệnh, những dòng nuớc mắt, cảm giác bất lực của những nguời phải nhìn thân nhân mình vật lộn với bệnh tật, với những cơn đau vật vã và tận cùng của nỗi đau là... sự chia ly vĩnh viễn. Tôi đã nhiều lần khóc cùng họ, và mỗi lần như thế, tôi đều thầm cầu cho họ mau siêu thoát, như mẹ tôi thường làm khi nghe tin ai đó qua đời. Mẹ tôi tin rằng nếu nhiều người cầu nguyện, linh hồn người chết sẽ mau siêu thoát.
Thật lòng, tôi không chắc lắm về "thế giới bên kia". Nhưng trước sự ra đi của họ, tôi quá xúc động, bối rối không biết làm gì ngoài khóc và cầu. Ít ra tôi cũng đã gửi "lời chia tay" với họ theo cách riêng của tôi.
Nhưng thế giới đó không chỉ có cảm xúc đau khổ, thất vọng mà vẫn có những cảm xúc của hạnh phúc, của sự lạc quan, của cả những tiếng cười và tôi cũng được trải qua cảm xúc đó cùng họ. Chúng tôi thật sự vui mừng khi một ai đó được ra viện, được về nhà. Thậm chí tôi cảm giác mọi người "quên" luôn người thân của mình đang nằm trên giường bệnh trong phút giây đó. Không có những cái bắt tay trịnh trọng, những cái ôm hôn xúc cảm như trong các buổi tiệc chúc mừng, chỉ có những tiếng cười. "Má con được về nhà rồi", "về nhà nhớ chăm sóc má mày cẩn thận nha con", "thoát nạn rồi đó", "về nhà nhớ cúng ông bà đã phù hộ đó nha". - "Dạ, mọi người ở lại mạnh khỏe". Tôi vẫn nhớ rất rõ những cuộc hội thoại, những câu nói, vẫn nhớ không khí rộn ràng của những ngày như thế.
>> Tôi dằn vặt vì không đủ tiền điều trị ung thư cho con
Tâm hồn tôi đã được nuôi dưỡng ở một nơi lẫn lộn quá nhiều trạng thái cảm xúc vui, buồn, đau, khổ... Nhưng từ tận cùng sâu thẳm tôi nhận ra rằng, trên tất cả, những cảm xúc đó chính là "sự khát vọng", một khát vọng mãnh liệt mong muốn được sống, được tồn tại.
Chính vì thế, khi tôi trở về cuộc sống đời thường của mình, mỗi khi gặp chuyện buồn phiền, khó khăn, tôi lại nghĩ về ngôi nhà "bệnh viện", nghĩ về những người đang nằm đau đớn trên giường bệnh, nghĩ đến những người thân của họ đang bên cạnh họ và đang hy vọng từng ngày, từng giờ, nhớ đến thời khắc kinh hoàng giữa sự sống và cái chết cách nhau chỉ vài giây. Tôi lại nhớ đến các các y tá, các điều dưỡng, đặc biệt là các bác sĩ - những người đang phải chiến đấu với thần chết để giành lại mạng sống cho nhiều người. Và rồi tôi thấy chuyện buồn phiền, nỗi khó khăn của tôi không còn ghê gớm, khủng khiếp như tôi nghĩ. Thậm chí có khi là "vớ vẩn".
Bời vậy tôi không hề cường điệu khi nói rằng, tôi mang ơn bệnh viện, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, nơi tôi nhận được vô số bài học quý giá về tình yêu thương, sự chia sẻ, sự cảm thông... là nơi giúp tôi hiểu rằng cuộc sống tôi đang có là vô giá.
Cảm ơn bệnh viện đã góp phần vào hành trang đầu đời của tôi, một hành trang cực kỳ quý giá.
Tôi nghĩ mình thật may mắn...
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.