Chi tiết của dự luật an ninh được Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc công bố hôm nay, một ngày sau khi được đề xuất. Dự luật sẽ bảo vệ quyền tài phán chung của chính quyền trung ương Trung Quốc và đảm bảo quyền tự trị cao của Hong Kong. "Khi cần thiết, các cơ quan an ninh quốc gia có liên quan của chính phủ trung ương sẽ thành lập trụ sở tại Hong Kong để bảo vệ an ninh quốc gia", theo tài liệu dự thảo luật an ninh Hong Kong.
Các nhà ngoại giao nước ngoài lo ngại dự luật có thể mở rộng sự hiện diện của các cơ quan tình báo và an ninh của đại lục tại Hong Kong, "gây nguy hiểm cho quyền và tự do" tại đây. Hiện các cơ quan này không thể hoạt động trong lãnh thổ đặc khu hành chính Hong Kong. Bắc Kinh từng đề xuất dự luật tương tự hồi năm 2003, song sau đó phải hoãn lại vì nổ ra biểu tình tại Hong Kong với khoảng 500.000 người tham gia.
Dự luật an ninh Bắc Kinh đưa ra khiến thị trường tài chính chao đảo do lo ngại về nguy cơ với trung tâm tài chính Hong Kong. Thị trường chứng khoán Hong Kong hôm nay chứng kiến nhiều đợt bán tháo cổ phiếu, trong khi quốc hội Trung Quốc tiếp tục thảo luận về dự luật. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 5,6% khi đóng phiên, mức giảm trong ngày cao nhất từ tháng 7/2015.
Dự luật an ninh Hong Kong có thể làm leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, trong bối cảnh quan hệ hai bên vốn gặp nhiều sóng gió bởi tranh chấp thương mại và cáo buộc về đại dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo nước này sẽ phản ứng "rất mạnh mẽ" nếu Trung Quốc thúc đẩy dự luật.
Thủ tướng Lý Khắc Cường trong báo cáo thường niên trước quốc hội cho biết Trung Quốc sẽ thiết lập một hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi hợp lý để đảm bảo an ninh quốc gia tại hai đặc khu hành chính là Hong Kong và Ma Cao. Dự luật yêu cầu Hong Kong nhanh chóng hoàn thành các quy định an ninh theo khuôn khổ Luật Cơ bản của đặc khu.
Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ "hợp tác hoàn toàn" với quốc hội Trung Quốc để hoàn thành dự luật. Carrie Lam nói dự luật an ninh sẽ không ảnh hưởng đến quyền, tự do và tính độc lập về tư pháp của đặc khu.
Bắc Kinh khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng đặc khu Carrie Lam nói Bắc Kinh muốn giải quyết "những hoạt động phi pháp làm tổn hại đến an ninh quốc gia".
Một số nhà lập pháp Hong Kong phản đối dự luật an ninh và cảnh báo đây là "dấu chấm hết" cho đặc khu. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "mức độ tự do và tôn trọng quyền con người cao" là chìa khóa để duy trì vị thế đặc biệt của Hong Kong trong luật pháp Mỹ, giúp đặc khu duy trì vị thế là một trung tâm tài chính thế giới.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)