Phương án buộc Landbridge, tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng, từ bỏ quyền sở hữu cảng Darwin vì lý do an ninh quốc gia được các quan chức Australia đưa ra sau khi nước này thay đổi luật đầu tư nước ngoài năm ngoái, trao cho chính phủ quyền hồi tố áp các điều kiện mới hoặc buộc thoái vốn với các thỏa thuận đã được thông qua..
"Khuyến cáo về cảng Darwin đã được đưa ra và sẽ được chuyển đến ủy ban an ninh quốc gia của Australia trong thời gian thích hợp", một nguồn tin chính phủ Australia cho biết ngày 3/5.
Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton nói chính phủ Australia "sẽ xem xét các lựa chọn có lợi cho lợi ích quốc gia của chúng tôi" sau khi nhận được khuyến cáo này, tờ Sydney Morning Herald đưa tin.
Bộ Quốc phòng Australia, văn phòng đại diện của công ty Landbridge tại Australia và đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra chưa bình luận về thông tin.
Landbridge, công ty được cho là có quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc, thắng thầu năm 2015 và giành quyền vận hành cảng Darwin ở miền bắc Australia trong 99 năm với giá 390 triệu USD.
Giới chức Lãnh thổ phía Bắc của Australia trao hợp đồng thuê cảng Darwin cho công ty Landbridge chỉ vài năm sau khi Mỹ triển khai nhóm thủy quân lục chiến thường trú đầu tiên tại khu vực này.
Đợt triển khai này là một phần trong kế hoạch xoay trục sang châu Á của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi Trung Quốc tăng cường hoạt động ở khu vực. Obama được cho là không hài lòng về thỏa thuận cho thuê cảng Darwin.
Darwin được coi là cửa ngõ của Australia tới các thị trường châu Á và trung tâm tiềm năng cho xuất khẩu tài nguyên và nông nghiệp. Thành phố này là trung tâm trong kế hoạch của chính phủ Australia nhằm phát triển khu vực miền bắc xa xôi.
Thông tin xem xét lại hợp đồng thuê cảng Darwin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Australia và Trung Quốc xuống mức thấp sau nhiều năm biến động. Quan hệ giữa hai nước xấu đi vào năm ngoái sau khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19, khiến Trung Quốc trả đũa thương mại.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết quyền hồi tố trong luật đầu tư nước ngoài sau sửa đổi, được sử dụng lần đầu hồi tháng 4, là cần thiết để đảm bảo tính nhất quán trong quan hệ đối ngoại và không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
Chính phủ Australia đã hủy 4 thỏa thuận trên cơ sở luật mới, bao gồm hai thỏa thuận trong sáng kiến Vành đai và Con đường với Trung Quốc cùng hai thỏa thuận giáo dục với Syria và Iran của giới chức bang Victoria.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó thúc giục Australia từ bỏ "tâm lý Chiến tranh Lạnh và thành kiến ý thức hệ", đồng thời "lập tức sửa chữa sai lầm và thay đổi hướng đi".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)