ASEAN đã trao quy chế Đối tác phát triển cho Pháp và Italy, chấp thuận Columbia và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết trong họp báo kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan chiều 12/9 tại Hà Nội.
Với đề nghị của Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, Phó thủ tướng cho hay Hiệp hội thừa nhận vai trò quan trọng của Anh trên phương diện vị thế ở khu vực và quốc tế, trong quan hệ sâu rộng giữa Anh và các thành viên ASEAN.
"Các nước của Hiệp hội đang xem xét đề nghị của Anh, trên cơ sở các quy định của ASEAN, các kết quả hợp tác và các cam kết của các nước nói chung, khi muốn trở thành đối tác đối thoại", ông Minh nói.
Hôm 7/9, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết khi vai trò và vị thế của ASEAN ngày càng tăng cao, Hiệp hội nhận được nhiều lời đề nghị thiết lập quan hệ đối tác của nhiều nước. Gần nhất, ASEAN nhận được đề nghị của Anh về đối tác đối thoại đầy đủ, của Pháp, Italy về đối tác phát triển, của Morocco, UAE về đối tác đối thoại theo lĩnh vực, của Cuba, Colombia về đề nghị gia nhập TAC.
Trong khuôn khổ AMM 53 và các hội nghị liên quan, các đối tác hiện nay của ASEAN tiếp tục bày tỏ coi trọng ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực rộng mở và dựa trên luật lệ. ASEAN và các đối tác nhất trí phối hợp tăng cường vai trò và hiệu quả các diễn đàn do ASEAN chủ trì, trong đó có Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vưc ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Các Bộ trưởng ASEAN và các đối tác tái khẳng định cam kết ủng hộ hợp tác đa phương và khuôn khổ quan hệ giữa các quốc gia dựa trên nền tảng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có đẩy lùi đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện.
Hiện ASEAN có các đối tác chính là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Canada, EU.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết chủ đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã được trao đổi trong các cơ chế của ASEAN, trong đó có EAS và ARF, khi Đông Nam Á là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng.
Các bộ trưởng ASEAN đã khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, củng cố đoàn kết, tự cường, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; tăng cường xây dựng lòng tin, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật như tinh thần Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN ngày 8/8.
Tuyên bố "thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN và Hiệp hội không muốn bị kẹt trong các cạnh tranh giữa các nước, tác động đến hòa bình, ổn định của khu vực", ông Minh nhấn mạnh.
Khi Trung Quốc nêu một số sáng kiến, trong đó có gắn kết Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC) với sáng kiến Vành đai, Con đường của Bắc Kinh, sáng kiến dữ liệu an ninh toàn cầu, Phó thủ tướng Việt Nam cho biết ASEAN là một cộng đồng mở, luôn hoan nghênh các sáng kiến của các đối tác, nếu các sáng kiến đóng góp vào phát triển chung, xây dựng môi trường hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực. Các nước ASEAN đều ủng hộ các sáng kiến của Trung Quốc, các bộ trưởng đã giao các cơ quan chuyên ngành của các bên nghiên cứu để có kiến nghị phù hợp.
Phó thủ tướng lưu ý vấn đề Biển Đông được nêu trong tất cả các hội nghị của ASEAN, trên tinh thần kêu gọi các bên đóng góp vào xây dựng Biển Đông là một vùng viển hoà bình, ổn định, tự do hàng hải trên biển và trên không. ASEAN cũng kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Tất cả các nước đều nêu quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, khi đóng góp ý kiến trong các tuyên bố của ASEAN.
"Với các nước là thành viên của UNCLOS như Việt Nam, Trung Quốc và các nước ASEAN khác, việc tuân thủ Công ước là điều đương nhiên", ông Minh nói, trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc đã tuân thủ UNCLOS.
Trong chuỗi hội nghị AMM 53, ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, khẳng định đây là lợi ích chung của tất cả các quốc gia và được các nước đối tác tiếp tục ủng hộ. Các bộ trưởng khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Các Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, và kêu gọi sớm hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về Quỹ ứng phó với Covid-19 của ASEAN, Phó thủ tướng Việt Nam cho hay quỹ đến nay có tổng kinh phí hơn 4 triệu USD, từ đóng góp của ASEAN và các đối tác. Kho dự trữ vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN là kho ảo, trong đó các nước cam kết đóng góp để ứng phó với tình trạng khẩn cấp của Covid-19.
Tham gia họp báo từ đầu cầu tại Jakarta, Indonesia, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho biết ASEAN sẽ trải qua ba giai đoạn trong khung phục hồi tổng thể do ảnh hưởng của Covid-19. Giai đoạn một tập trung vào mở cửa lại với các biện pháp ngắn hạn và trung hạn: tăng hợp tác chuỗi cung ứng, tạo điều kiện hành lang đi lại thông thoáng của ASEAN, để hoạt động kinh tế không bị gián đoạn, đảm bảo các điều kiện an toàn về y tế. Giai đoạn hai gồm các khuyến nghị trung hạn về phục hồi. Giai đoạn 3 là đạt biện pháp tăng khả năng chống chọi dài hạn.
Theo Phó thủ tướng, AMM 53 và các hội nghị liên quan đã thông qua 42 văn kiện, trong đó có Thông cáo chung của Hội nghị AMM-53, Kế hoạch Hành động Hà Nội II của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Việt Nam nêu 10 sáng kiến và đã được thông qua, đó là Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập EAS dịp Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 15, tổ chức họp Nhóm chuyên gia EAS về COVID-19; ra Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN+3 về kinh tế và ổn định tài chính. Tất cả các bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên ASEAN và đối tác đã tham dự và trao đổi.
Phó thủ tướng cho hay Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, hội nghị kết thúc năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 11, với hy vọng các nước kiểm soát tốt Covid-19.
"Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để tổ chức hội nghị trực tiếp. Đó là quyết tâm của Việt Nam và chúng tôi mong các nước ASEAN và các đối tác sẽ ủng hộ quyết tâm đó", ông Minh nói.