"ASEAN đang ở thời điểm quan trọng, đối diện với nhiều vấn đề chưa từng xuất hiện. Trong đó có ba thách thức chính", ông Phạm Quang Vinh, cựu thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, cựu trưởng nhóm các quan chức cấp cao của Việt Nam trong ASEAN (SOM), nói với VnExpress bên lề Hội thảo quốc tế "Việt Nam-ASEAN: 25 năm qua và chặng đường phía trước" ngày 19/8 tại Hà Nội.
Thách thức thứ nhất là cạnh tranh Mỹ - Trung có tính chất rất khác với trước đây, khi hai nước đều có nhìn nhận khác về nhau. Về phía Mỹ, Washington nhận ra sự vươn lên của Bắc Kinh qua 4 thập kỷ qua đã trở thành mối đe doạ với lợi ích của Mỹ, vai trò và trật tự toàn cầu mà Mỹ muốn. Washington cũng nhận thấy hợp tác với Bắc Kinh không dẫn tới việc Trung Quốc mở cửa và tham gia vào các hệ thống hiện tại của thế giới. Do đó, Mỹ lần đầu tiên coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh chuyển từ quan điểm "vừa hợp tác vừa đấu tranh với Washington", sang nhìn nhận rõ "Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc". Đó là nhận thức phức tạp hơn về lợi ích quốc gia, cơ hội và thách thức của cả hai bên. Ông Vinh cho rằng Trung Quốc đã thay đổi rất căn bản, từng giấu mình chờ thời, dựa vào các trật tự quốc tế để vươn lên, giờ đây Bắc Kinh muốn có vị trí tham vọng trên toàn cầu và thay đổi những gì không hợp với mình trên mức độ khu vực và thế giới.
"Để kiềm chế Trung Quốc, Mỹ ngày càng tăng cường cạnh tranh, với mức độ căng hơn, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Điều đó khiến các nước bị đặt vào tình huống khó lường, không biết đâu là giới hạn", ông Vinh nói. Ông cũng lưu ý khi Mỹ - Trung cạnh tranh với mục tiêu "giành vị trí số một trên toàn cầu", hệ thống quan hệ quốc tế cũng bị điều chỉnh theo.
Thách thức thứ hai là phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19. Cựu thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho biết ASEAN đang đối diện với sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy hồi đầu năm, khi Bắc Kinh áp các biện pháp chặn Covid-19, nhiều nước đã xem xét đa dạng hoá chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi đó, dòng vốn trên thế giới sẽ đi theo quy luật "đổ vào nơi nào mang lại nhiều lợi nhuận". Vì thế, ASEAN có nguy cơ "đón nhận phần giá trị thấp" trong chuỗi cung ứng mới, nếu Hiệp hội không nâng cao năng lực của mình.
"ASEAN phải lựa chọn tham gia vào phần nào của chuỗi cung ứng trên toàn cầu", ông Vinh nói.
Ngoài ra, ASEAN cùng các nước trên thế giới cũng phải đối diện với xu hướng bảo hộ, chống lại toàn cầu hoá; các cơ chế đa phương bị suy giảm vai trò; xu thế cường quyền và dùng quan hệ song phương để áp đặt nước khác, theo ý kiến cá nhân; các chiều hướng ảnh hưởng đến tập hợp của các nước nhỏ và vừa trong cục diện quốc tế; áp lực bắt kịp công nghệ 4.0.
Thứ ba là vấn đề nội tại của ASEAN. Ông Vinh cho rằng trong Hiệp hội có những nhận thức khác nhau về tác động của cạnh tranh Mỹ - Trung đến lợi ích của mỗi quốc gia. Các thành viên cũng có nhận thức khác nhau về cách hài hoà lợi ích quốc gia và khu vực.
Nêu các khuyến nghị với ASEAN, cựu thứ trưởng Ngoại giao Vinh cho rằng trong bối cảnh Mỹ - Trung gia tăng cạnh tranh, đứng trước bài toán "theo bên này hay bên kia", Hiệp hội cần thúc đẩy "vai trò trung lập tích cực" bằng cách thúc đẩy lợi ích song trùng và sự gắn kết giữa các thành viên. ASEAN cần dựa trên nguyên tắc của mình là không đi với bên này chống lại bên kia, căn cứ vào lợi ích của khu vực để đánh giá những gì đang diễn ra trên thực tế.
Khi Mỹ - Trung cạnh tranh gay gắt ở Biển Đông, ông Vinh cho hay ASEAN phải đối diện với hai vấn đề lớn. Thứ nhất, Trung Quốc nêu yêu sách Đường lưỡi bò, sau đó chuyển sang tên gọi mới là Tứ Sa, xâm phạm các nguyên tắc trong Tuyên bố ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN (DOC), vi phạm các quy định của Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Thứ hai, khi Mỹ lên tiếng phản đối các hành vi của Trung Quốc, tăng hiện diện quân sự và an ninh ở khu vực, gây nên lo ngại về nguy cơ xung đột quân sự. Hiệp hội cần lên tiếng về việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển các nước liên quan ở Biển Đông, cảnh báo nguy cơ xung đột giữa Bắc Kinh và Washington. Hiệp hội cần thể hiện rõ nguyên tắc ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016.
"ASEAN phải cho thấy Hiệp hội không đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc, mà là bảo đảm mục tiêu chung của khu vực: duy trì hoà bình, ổn định, giữ an ninh, an toàn hàng hải và hàng không", ông Vinh nói.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam đánh giá cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay không giống như Chiến tranh Lạnh trước đây giữa Mỹ và Liên Xô. Điểm khác lớn nhất là Washington và Bắc Kinh không lập ra hai hệ thống đối nghịch và triệt tiêu nhau bằng mọi giá. Hai bên vẫn phải hợp tác vì có sự tương tác lớn và cũng không đủ lực để ép các nước khác "đi theo mình" như trong Chiến tranh Lạnh.
"Điều đó tạo ra không gian cho các nước, trong đó có ASEAN, chọn cách hợp tác với Mỹ và Trung Quốc", ông Vinh nói.
Cựu thứ trưởng lưu ý ASEAN không nên "bị mắc bẫy về nỗi sợ trong cạnh tranh Mỹ - Trung", không né tránh các sáng kiến của các bên. Ngược lại, Hiệp hội cần xem xét kỹ về những điểm thuận lợi và bất lợi với lợi ích của mình, đồng thời thể hiện rõ quan điểm.
Với áp lực tham gia phần có giá trị cao trong chuỗi cung ứng mới trên toàn cầu, ông Vinh đánh giá liên kết kinh tế của ASEAN hiện chủ yếu là theo chiều rộng, với thành tựu chính là xoá bỏ hàng rào thuế quan. Đến 2018, các dòng thuế trong khối cơ bản đã trở về mức 0-5%. Trong khi đó, thế giới cần liên kết ở chiều sâu, cần lao động chất lượng cao và môi trường thuận lợi. Vì thế ASEAN cần tăng chất lượng liên kết giữa các thành viên, từ đó kết nối với các trung tâm lớn trên thế giới.
"Điều đó giúp ASEAN đủ sức tham gia vào phần giá trị cao của chuỗi cung ứng toàn cầu, ", ông Vinh nói.
Khuyến nghị về vai trò của Việt Nam, cựu thứ trưởng ngoại giao cho biết Hà Nội, không chỉ trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, mà cả sau này, cần thúc đẩy nguyên tắc "ASEAN chỉ mạnh khi đoàn kết". Theo đó, Việt Nam nên xác định sự đồng thuận của Hiệp hội "có lúc thấp lúc cao", là một quá trình tham vấn để tìm ra những điểm đồng.Việc chọn lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực là vấn đề phức tạp, cần mổ xẻ kỹ.
Trước thực tế ASEAN không đủ sức "ngăn" Mỹ - Trung gia tăng cạnh tranh, Việt Nam cần phát huy thế của Hiệp hội trên hai khía cạnh, là bày tỏ quan điểm và tăng hợp tác với các đối tác khác, tạo nên một "tổng thể dư luận", buộc Mỹ và Trung Quốc cần lưu tâm. Các đối tác khác quan trọng của ASEAN là Nhật Bản, Nga, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand. Bên cạnh đó, Hiệp hội cần tăng đối thoại với các nước lớn để nhấn mạnh các nguyên tắc của ASEAN, nếu các nước có những hoạt động "quên" lợi ích của ASEAN.
Trong bối cảnh quốc tế khó lường, niềm tin suy giảm, Việt Nam nên tăng cường vai trò của ASEAN là một "đại diện có lý có tình", tạo điều kiện để các bên đối thoại.
Cựu thứ trưởng Vinh lưu ý Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm "ASEAN tốt sẽ giúp khu vực phát triển". Việt Nam đề cao mục tiêu gìn giữ môi trường khu vực hoà bình, thuận lợi; chứng minh tính đúng đắn của chính sách ngoại giao hoà bình, tự chủ, đa dạng hoá quan hệ quốc tế; ủng hộ luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, hội nhập quốc tế. Hà Nội cũng cho thấy một ASEAN đoàn kết, giữ được vai trò trung tâm là yếu tố gắn sát với lợi ích của Việt Nam.
Ông Vinh nhận định thách thức xử lý cạnh tranh giữa các nước lớn không phải điều mới với ASEAN. Trong lịch sử Hiệp hội từng đứng về bên này, bên kia, không dựa trên nguyên tắc và lợi ích chung của khu vực, gây nên những bất lợi.
"Nếu không lên tiếng về cái đúng, cái sai, tự ASEAN đã đứng về bên này hoặc bên kia. Do đó, Hiệp hội cần tránh điều này", ông Vinh khẳng định.