Ngày 8/8, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc Duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng ASEAN ra tuyên bố riêng về chủ đề hoà bình và an ninh khu vực nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN.
Theo đó, Hiệp hội tái khẳng định cam kết duy trì một Đông Nam Á hoà bình, an ninh, trung lập, ổn định, đồng thời củng cố các giá trị hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; Tuyên bố cũng xác định những nguyên tắc và định hướng lớn giúp ASEAN thích ứng với những biến động, cạnh tranh nước lớn gia tăng ở khu vực và thế giới, từ đó tiếp tục củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm.
"Tuyên bố mới thể hiện mối quan ngại gia tăng của ASEAN về việc khu vực trở thành sân khấu chính trong cạnh tranh Mỹ - Trung", Lucio Blanco Pitlo, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hướng Phát triển cho Châu Á-Thái Bình Dương, Philippines, nói với VnExpress.
Lucio cho rằng ASEAN đang cảm nhận áp lực từ căng thẳng leo thang giữa "hai gã khổng lồ" là Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
Từ tháng 6 đến nay, Mỹ liên tục có các động thái ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông, lên án các hành vi bắt nạt các nước của Bắc Kinh. Sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) gửi công thư cho Tổng thư ký của tổ chức này, khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông "không phù hợp với luật pháp quốc tế", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra Tuyên bố bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Mỹ cho biết sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế. David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, không loại trừ khả năng trừng phạt Trung Quốc liên quan đến hành vi chèn ép ở Biển Đông.
Trên thực địa, Mỹ nhiều lần điều các tàu chiến và chiến đấu cơ tuần tra ở Biển Đông. Hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz hồi đầu tháng 7 tiến hành một trong những cuộc diễn tập lớn nhất của hải quân Mỹ trong những năm gần đây tại Biển Đông. Mỹ cũng diễn tập chung với Nhật Bản và Australia ở khu vực này, nhằm thể hiện cam kết của ba nước với "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, trong đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã liên lạc với bộ trưởng ngoại giao một số nước ASEAN để trao đổi về hỗ trợ bảo vệ chủ quyền.
Về phía Trung Quốc, nước này phản ứng dữ dội với các tuyên bố và hoạt động của Mỹ liên quan đến Biển Đông. Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo khả năng sẵn sàng "đối đầu quân sự" với Mỹ tại Biển Đông, sau khi Washington bác yêu sách của Bắc Kinh. Bắc Kinh cho rằng "các nước ASEAN cần duy trì ngoại giao cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ", tránh nguy cơ trở thành "bia đỡ đạn trong chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc". Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc diễn tập ở Biển Đông nhằm thị uy sức mạnh.
Hôm 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Mỹ "chia rẽ Trung Quốc và ASEAN, cản trở quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)". Ông Vương kêu gọi Trung Quốc và ASEAN hợp tác để bảo vệ hoà bình và ổn định ở khu vực.
Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông là một khía cạnh quan trọng trong cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa hai cường quốc. Quan hệ hai nước được cho là ở mức thấp nhất trong hàng chục năm, liên quan tới nhiều vấn đề như nguồn gốc và cách ứng phó Covid-19, hoạt động của tập đoàn viễn thông Huawei, luật an ninh Hong Kong, tình hình Tân Cương. Sau khi Mỹ đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Texas với cáo buộc hoạt động gián điệp, Bắc Kinh đã đáp trả với cơ quan đại diện Mỹ ở Thành Đô. Hai bên đang gia tăng áp các lệnh trừng phạt lẫn nhau.
Chuyên gia Lucio đánh giá ASEAN cũng lo ngại về các tác động đến kinh tế, liên quan đến cạnh tranh về công nghệ, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Bối cảnh chung của các nước là nỗ lực vực dậy nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19.
"ASEAN mong muốn giữ vững lập trường, tránh chọn bên, giữ vững thành quả trong xây dựng cộng đồng và nỗ lực tái cấu trúc kinh tế và an ninh của khu vực", Lucio nói.
Cũng nhận định ASEAN đang cảm nhận "sức nóng" cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho hay tình trạng quan hệ Mỹ - Trung đang đe doạ an ninh của từng thành viên ASEAN, đe doạ vai trò trung tâm của Hiệp hội trong duy trì an ninh khu vực.
Thayer cho rằng ASEAN ra Tuyên bố ngày 8/8 là nhằm gửi thông điệp đến cả Trung Quốc và Mỹ, khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp hội và các cơ chế trong khuôn khổ của ASEAN là nền tảng cho hợp tác.
"Nói cách khác, ASEAN và các thành viên sẽ không tham gia phe Mỹ chống Trung Quốc, và cũng không ở nhóm đẩy Mỹ ra khỏi các vấn đề khu vực", Thayer nói.
Giáo sư Australia lưu ý trong bối cảnh căng thẳng này, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đóng vai trò dẫn dắt để bảo đảm Hiệp hội duy trì sự đoàn kết, gắn bó. Ông cho rằng ASEAN và các thành viên đang phải đối diện với các "động lực địa chính trị" có thể gây hại đến hoà bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực.
Từng trực tiếp tham gia đàm phán các vấn đề trong ASEAN nhiều năm, ông Phạm Quang Vinh, cựu thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, cho rằng điểm quan trọng nhất của Tuyên bố ngày 8/8 là tính thời sự, nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN khi đang có cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn. Trong đó, Hiệp hội khẳng định nếu phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN thì sẽ giúp khu vực biết cách ứng xử với sự cạnh tranh nước lớn và các vấn đề nảy sinh. ASEAN nhấn mạnh lợi ích chung của thế giới, đặc biệt của các quốc gia vừa và nhỏ, vẫn là chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế.
"Tuyên bố không trực tiếp nhắc đến Biển Đông nhưng đề cập đến luật pháp quốc tế, không làm gì phức tạp tình hình và xây dựng lòng tin. Đó là sự thừa kế nhiều vấn đề trong các tuyên bố trước đây của của ASEAN", ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, theo thông lệ, ASEAN ít khi ra tuyên bố trong các dịp kỷ niệm ngày thành lập. Tuyên bố ngày 8/8 thể hiện sự đồng thuận của cả 10 nước thành viên, thể hiện nhận thức chung của Hiệp hội ở mức cao. Bên cạnh đó, việc ra Tuyên bố cũng chứng tỏ vai trò điều phối quan trọng của Việt Nam, là Chủ tịch ASEAN năm nay.
Dự báo định hướng sắp tới của ASEAN, giáo sư Thayer cho rằng Hiệp hội sẽ tăng nỗ lực thuyết phục Mỹ và Trung Quốc hợp tác trong khuôn khổ đa phương, là nguyên tắc được nêu trong phần cuối của Tuyên bố ngày 8/8. Bên cạnh đó, ASEAN cũng thúc đẩy định hướng Mỹ, Trung Quốc và các đối tác hợp tác thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Cấp cao Đông Á. Bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, ASEAN có 6 đối tác đối thoại là Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Phối hợp liên quan đến Tầm nhìn Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương của ASEAN cũng là ưu tiên thời gian tới.
Theo Lucio, các nước thành viên ASEAN có thể sẽ tránh tham gia các cuộc diễn tập trên biển với Mỹ hoặc Trung Quốc. Biển Đông là nơi hai cường quốc thể hiện sự cạnh tranh nên tiềm ẩn nhiều rủi ro xung đột. Lucio cho rằng ASEAN có thể tổ chức các hội nghị cấp cao giúp Mỹ - Trung xuống thang căng thẳng, sau khi hai thành viên là Việt Nam và Singapore từng hỗ trợ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Chuyên gia này khuyến cáo ASEAN nên sớm thúc đẩy việc khôi phục đàm phán COC hoặc có cơ chế để các nước tuân thủ.
Cựu thứ trưởng Vinh đánh giá Tuyên bố ngày 8/8 có thể mở ra hướng để ASEAN bước vào một giai đoạn phát triển mới, khi nhấn mạnh đến hoà bình, ổn định và vai trò trung tâm của Hiệp hội.
"Đây là mốc lớn mà Việt Nam có thể tính đến vai trò dẫn dắt của mình trong ASEAN", ông Vinh nói.