Quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng trên nhiều mặt trận như thương mại, công nghệ hay quân sự. Trong quá trình vận động tái tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm rằng họ sẽ vẫn duy trì những chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, đối thủ của ông, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và các cố vấn chưa hé lộ nhiều chi tiết cụ thể về cách mà họ sẽ đối phó với Trung Quốc nếu Biden đắc cử cũng như liệu chính sách họ theo đuổi sẽ khác biệt như thế nào so với chính sách của Tổng thống Trump.
Liệu Biden có tiếp tục chính sách áp thuế lên Trung Quốc như Trump đang làm không? Liệu chính phủ của ông có cấm các thiết bị của tập đoàn công nghệ Huawei, Trung Quốc, không? Liệu ông sẽ làm gì với Bắc Kinh ở Biển Đông?
Bất chấp việc cả hai ứng viên đều liên tục chỉ trích đối phương rằng họ quá yếu thế trước Trung Quốc, giới chuyên gia nhận định dù ai chiến thắng cuộc bầu cử, dù cố vấn chính sách đối ngoại của họ là ai thì sau cuộc bầu cử, nhiều khả năng không bên nào sẵn sàng xuống thang căng thẳng với Bắc Kinh.
"Đã có một sự thay đổi rõ ràng về thái độ (đối với Trung Quốc) ở cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa", Elizabeth Freund Larus, chủ nhiệm khoa khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Mary Washington ở Fredericksburg, Virginia, nhận xét. "Tôi không nghĩ chúng ta sẽ quay trở lại, kiểu như mối quan hệ Mỹ - Trung những năm 1990".
Lúc bấy giờ, quan điểm của Washington về quan hệ Mỹ - Trung được xác định bởi một niềm tin khác, rằng các doanh nghiệp, trường đại học và công nghệ Mỹ cuối cùng có thể thuyết phục mở cửa nền kinh tế cũng như hệ thống chính trị.
Nhưng các ứng viên và cố vấn của họ giờ đây đều nhận thức được về thực tế căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Trung.
Trump tập hợp bên mình các cố vấn có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, dẫn đầu là Ngoại trưởng Mike Pompeo, bên cạnh cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navaro và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Một số cái tên có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai nếu Trump tái đắc cử, chuyên gia đánh giá.
Nhưng David Lewis, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, lưu ý rằng bất kể ai ở lại, chính sách với Trung Quốc của chính quyền Trump dường như đã được định hình từ lâu.
Ở phía bên kia, Biden, người từng là phó tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama, cũng quy tụ quanh mình các cố vấn từ chính quyền Obama, trong đó có cựu thứ trưởng ngoại giao và phó cố vấn an ninh quốc gia Antony Blinken. Những gương mặt khác được cho là đang giữ vai trò cố vấn chiến dịch tranh cử gồm Jake Sullivan, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Ely Ratner, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia, Kurt Campbell, cựu phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cùng Jung Pak, cựu sĩ quan tình báo Mỹ kiêm chuyên gia về Triều Tiên.
Một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc diễn ra từ thời Obama là việc Ratner và Campbell thừa nhận trên tạp chí Foreign Affairs hồi năm 2018 rằng Washington đã "đánh giá thấp" Bắc Kinh.
"Để vượt qua thách thức này đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ suy nghĩ đầy tính kỳ vọng từ lâu đã đặc trưng cho cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc", hai người viết.
Trong một bài luận viết với nhà sử học Hal Brands đăng trên tạp chí Foreign Policy hồi tháng 5, Sullivan nói rằng "những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để cạnh tranh vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ là không thể nhầm lẫn và chúng hiện hữu ở khắp mọi nơi".
Một báo cáo phản gián của Mỹ được công bố hồi đầu tháng 8 kết luận Trung Quốc coi Trump là người "không thể đoán trước" và cộng đồng tình báo "đánh giá rằng Trung Quốc không muốn Trump tái đắc cử".
Song theo giới phân tích, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Trung Quốc có thể kỳ vọng rằng với việc Biden đắc cử, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng mức độ tin tưởng chung của Washington đối với Bắc Kinh hiện nay thấp đến mức nào. Biden và các cố vấn không phải ngoại lệ.
Chuyên gia đánh giá trong vấn đề Trung Quốc, hai ứng viên có nhiều khác biệt về phong cách hơn là về chính sách thực tế. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, Biden và các cố vấn nhiều khả năng sẽ duy trì áp lực lên lên Bắc Kinh ngay cả khi đã chuyển từ giai đoạn vận động tranh cử sang điều hành đất nước.
"Thế giới đã thay đổi", Bill Bishop, nhà phân tích về Trung Quốc, bình luận. "Thực tế đã thay đổi rất nhiều cả ở Mỹ lẫn Trung Quốc đến mức tôi sẽ sốc nếu nhìn thấy chính quyền Biden đảo ngược chính sách sang duy trì một đường lối mềm mỏng hơn với Trung Quốc".
Theo Larus, "ngay cả khi đảng Dân chủ chiến thắng cuộc bầu cử, động lực cạnh tranh và thách thức Trung Quốc vẫn sẽ rất mạnh mẽ bởi thất vọng và kỳ vọng phi thực tế về Trung Quốc đã được thừa nhận".
Nhưng dù duy trì đường lối cứng rắn, Biden được cho là sẽ có cách làm khác Trump.
"Trump thích chiến đấu, trong khi Biden có phong thái ngoại giao hơn", Larus cho hay. "Biden sẽ có cách tiếp cận rất rất khác. Ông ấy có thể cứng rắn nhưng sẽ là một sự cứng rắn mượt mà như nhung".
Bishop cho biết ông tin "dưới chính quyền Biden, Mỹ sẽ có cách tiếp cận mang tính chiến lược, bao quát và hợp lý hơn để cạnh tranh với Trung Quốc và điều này sẽ chỉ tệ hơn đối với Trung Quốc theo rất nhiều cách khác nhau".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)