Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, quy định việc các tổ chức tín dụng cơ cấu hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Một trong những điều kiện để ngân hàng, tổ chức tín dụng cơ cấu lại là khoản nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính trước 1/8 năm nay (theo Thông tư 01 là trước 10/6/2020).
Lý do là dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, với phạm vi, mức độ ảnh hưởng rộng và nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước, tình hình sản xuất, kinh doanh, cuộc sống của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực; doanh thu, thu nhập bị sụt giảm; ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng... Theo đó, các số dư nợ này thuộc các khoản nợ của khách hàng phát sinh đến cuối tháng 7 năm nay sẽ chịu ảnh hưởng từ việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, các khoản nợ muốn được cơ cấu phải phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 và đáp ứng một vài tiêu chí cụ thể khác như mốc thời gian quá hạn trả nợ.
Tổ chức tín dụng cũng được phép miễn giảm lãi cho khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng phát sinh trước 1/8 (loại trừ mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) có nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán từ 23/1/2020 đến 30/6/2022.
Việc cơ cấu nợ và miễn giảm lãi được thực hiện đến ngày 30/6 năm sau.
Những tiêu chí trên là điều kiện cần được Ngân hàng Nhà nước đặt ra về mặt pháp lý để các ngân hàng tuân thủ. Trên thực tế, khách hàng muốn được cơ cấu nợ phụ thuộc vào đánh giá của từng ngân hàng thương mại về khả năng phục hồi và trả nợ đầy đủ sau cơ cấu.
Như vậy, Thông tư 14 ban hành chính thức không có sự khác biệt lớn với dự thảo được lấy ý kiến trước đó.
Mấu chốt căn bản của Thông tư 14 là cho phép cơ cấu nợ, miễn giảm lãi với các khoản nợ phát sinh sau 10/6 năm ngoái đến 1/8 năm nay, do tình hình dịch Covid-19 lần 4 có mức độ ảnh hưởng rộng và nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nhiều đề xuất trước đó của Hiệp hội ngân hàng và doanh nghiệp không được tính đến trong Thông tư này. Đơn cử như đề xuất cho chậm trả nợ trong thời gian giãn cách hay quy định lại "thời gian cơ cấu nợ tối đa 12 tháng từ ngày cơ cấu nợ".
Quỳnh Trang