Suốt 6 tháng qua, quân đội Nga và Ukraine đã đối đầu với nhau trong một cuộc xung đột tàn khốc trên chiến tuyến dài hơn 2.400 km, gây thương vong nặng nề cho cả hai phía.
Giao tranh được đánh giá đang bước vào giai đoạn mới, với tình thế bế tắc cả ở chiến trường miền đông lẫn miền nam Ukraine. Nga đã không còn duy trì được đà tiến công, mà chuyển dần sang thế phòng thủ ở những vùng lãnh thổ đã kiểm soát ở Donbass và các tỉnh miền nam Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố sẽ mở cuộc phản công lớn nhằm giành lại những phần lãnh thổ đã mất và phá vỡ thế bế tắc hiện nay, nhưng không rõ khi nào chiến dịch được phát động. Thời điểm tiến hành một cuộc tấn công như vậy là yếu tố mang tính sống còn đối với Kiev.
Cả hai bên đều đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài, nhưng Ukraine có nhiều lý do hơn để cố gắng tránh kịch bản này. Rủi ro tiềm ẩn sẽ xảy đến sớm nhất là vào mùa thu năm nay, khi mưa lớn biến các vùng nông thôn Ukraine thành những vũng lầy không thể vượt qua. Tình trạng thiếu hụt năng lượng hay vật giá leo thang làm suy yếu ủng hộ từ dư luận các nước phương Tây cũng là yếu tố quan trọng buộc Kiev phải cân nhắc.
"Một cuộc phản công ẩn chứa khá nhiều rủi ro", Michael Kofman, chuyên gia về Nga tại viện nghiên cứu CNA, trụ sở ở Arlington, Virginia, Mỹ, đánh giá về lựa chọn của Ukraine. "Nếu thất bại, nó có thể ảnh hưởng đến những khoản viện trợ từ phương Tây". Tuy nhiên, nếu không phản công, Ukraine sẽ phải đối mặt với một cuộc xung đột dài hơi mà ở đó Nga có lợi thế hơn họ, ông cho biết thêm.
Theo quan điểm của Ukraine, giao tranh không thể diễn ra vô thời hạn. Việc để Nga kiểm soát phần lớn đường bờ biển phía nam sẽ làm tê liệt nền kinh tế đất nước. Một cuộc chiến dài hơi cũng sẽ cho Nga thêm thời gian quý báu để củng cố hiện diện và bộ máy quản lý ở các khu vực mà họ đã kiểm soát.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin cũng đang chịu một số áp lực chính trị buộc ông phải giành được những đột phá trên chiến trường, đặc biệt là sau các cuộc tập kích liên tiếp trên bán đảo Crimea và vụ đánh bom xe giết chết con gái một học giả hàng đầu ở ngoại ô Moskva hồi tuần trước. Sự việc là cái cớ để những tiếng nói cứng rắn ở Nga ra sức kêu gọi trả đũa quyết liệt hơn nhằm vào Kiev.
Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Putin sẽ phớt lờ những lời kêu gọi đó và vẫn tập trung vào chiến lược bào mòn, làm suy kiệt lực lượng Ukraine trong một cuộc đấu dài hơi. Dấu hiệu rõ ràng nhất xuất hiện hôm 25/8, khi Điện Kremlin công bố sắc lệnh của ông Putin yêu cầu tăng quy mô lực lượng vũ trang Nga lên mức hơn 2 triệu người.
Giới phân tích nhận định sắc lệnh cho thấy ông Putin rõ ràng đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài và nhiều tổn thất. Tuy nhiên, đây không nhất thiết là bước chuẩn bị cho một động thái leo thang nghiêm trọng vốn có thể gây ra phản ứng không mong muốn từ bên trong nước Nga.
"Kỳ vọng xung đột sẽ kết thúc vào Giáng sinh hoặc mùa xuân năm sau là sai lầm", Ruslan Pukhov, nhà phân tích quốc phòng, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, trụ sở ở Moskva, nhận xét. "Tôi nghĩ giao tranh sẽ kéo dài rất lâu".
Ukraine đã được tiếp thêm động lực trong tuần qua nhờ lời hứa về gói viện trợ quân sự trị giá 3 tỷ USD từ Mỹ. Các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết khoản viện trợ này giống như thông điệp gửi tới ông chủ Điện Kremlin cũng như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Washington sẽ sát cánh với Kiev đến cùng.
Các quan chức nhấn mạnh Tổng thống Biden vẫn giữ vững mục tiêu giúp Ukraine giành chiến thắng cuối cùng, ngay cả trong một cuộc chiến tiêu hao, nếu điều đó xảy ra. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin H. Kahl cho biết tại một cuộc họp báo mới đây rằng việc ông Putin tin có thể "giành thắng lợi trong cuộc chơi dài hạn" là "tính toán sai lầm khác của Nga".
Trên truyền thông nhà nước Nga, thông điệp rằng Moskva mới chỉ ở giai đoạn đầu của cuộc chiến lâu dài và bền bỉ chống phương Tây đang được lan truyền rộng rãi. Điều này là một bước thay đổi mạnh mẽ so với 6 tháng trước, khi người Ukraine được mô tả là thiếu ý chí chiến đấu và chờ đợi được lực lượng Nga "giải phóng".
"Chúng ta sẽ có ít khách du lịch Nga hơn ở châu Âu, nhưng quy mô quân đội Nga sẽ tăng thêm 140.000 quân nhân chính quy. Tôi mong rằng đây mới chỉ là khởi đầu", Igor Korotchenko, nhà bình luận quân sự Nga nói trong một cuộc tọa đàm trên truyền thông nhà nước.
Trong khi ông Putin có thể hài lòng với tình trạng bế tắc kéo dài trên chiến trường Ukraine, Tổng thống Zelensky lại phải chạy đua với thời gian.
"Tình trạng kinh tế khó khăn, những rủi ro liên tục của các cuộc tập kích tên lửa cũng như tâm lý chán nản, mệt mỏi của người dân sẽ dần dần chống lại chúng ta", Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine, viết trên báo Ukrainska Pravda. Ông cho rằng quân đội Ukraine nên chuẩn bị phương án tấn công, thay vì tiếp tục phòng thủ.
"Sẽ thật vô nghĩa khi kéo dài cuộc xung đột trong nhiều năm để xem ai cạn kiệt nguồn lực trước", ông nói.
Theo các quan chức phương Tây, Nga có thể tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập một số vùng lãnh thổ Ukraine sớm nhất vào tháng tới. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên Tổng thống Zelensky, khiến ông phải cân nhắc nhanh chóng phát động một chiến dịch phản công để ngăn chặn kịch bản đó xảy ra.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích quân sự nhận thấy các lãnh đạo dân sự và quân sự Ukraine đang có bất đồng lớn về chiến dịch phản công. Phe dân sự muốn tiến hành ngay lập tức một cuộc phản kích để giành thắng lợi quyết định, trong khi các tướng quân đội muốn đảm bảo họ có đủ nhân lực và hỏa lực cho động thái lớn như vậy.
"Có những mong muốn chính trị nhằm thể hiện cho các đối tác quốc tế rằng hỗ trợ của họ cho Ukraine sẽ dẫn đến chiến thắng chứ không phải một tình thế bế tắc", Jack Watling, chuyên gia cấp cao tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh ở London, nhận xét. "Và cũng có những kỳ vọng rằng Ukraine sẽ giải phóng được lãnh thổ của mình".
Song Watling lưu ý rằng "một cuộc phản công quân sự cần phải dựa trên các điều kiện trên chiến trường", không phải trên chính trường.
Ukraine tháng qua đã chuyển hướng sang chiến lược mới, đánh vào các mục tiêu ở hậu cứ của Nga, sau nhiều tháng đấu pháo ác liệt và giao tranh đô thị ở khu vực miền đông Lugansk, nơi cuối cùng cũng thất thủ trước lực lượng Nga hồi đầu tháng 7.
Sử dụng rocket tầm xa dẫn đường chính xác do Mỹ và các đồng minh phương Tây viện trợ, quân đội Ukraine đã tập kích kho vũ khí, căn cứ, sở chỉ huy cùng những vị trí đóng quân của Nga ở sâu phía sau chiến tuyến, trong đó có cả bán đảo Crimea.
Ukraine suốt nhiều tháng qua đã lên kế hoạch cho một trận đánh lớn ở miền nam. Họ đã đẩy lùi lực lượng Nga ở ngoại ô Kiev vào mùa đông năm ngoái, nhưng vẫn chưa chứng minh được khả năng tấn công, chọc thủng tuyến phòng ngự kiên cố của Nga.
Với Tổng thống Putin, thay vì thừa nhận tình thế bế tắc, ông khẳng định quân đội Nga vẫn tiếp tục tiến công ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine, theo "từng bước".
Song một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ mô tả bước tiến của Nga ở Donbass chậm đến mức "chỉ cần đi thêm được 500 mét cũng là thành công" đối với họ.
Tại Ukraine, ông Zelensky vẫn được dư luận ủng hộ trong nỗ lực đối đầu Nga. Một cuộc thăm dò ý kiến của Trung tâm Razumkov, tổ chức nghiên cứu chính sách ở Kiev, công bố hồi đầu tuần cho thấy 92% người dân tin tưởng vào một chiến thắng quân sự trước Nga.
Với kế hoạch về một cuộc phản công ở miền nam, Tổng thống Zelensky đang nỗ lực thể hiện đoàn kết với các tướng quân đội của mình. Tại một cuộc họp báo trong tuần qua, ông ca ngợi tướng Valeriy Zaluzhny, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine và bác bỏ những đồn đoán rằng ông có ý định cách chức tướng này.
"Chúng tôi làm việc như một đội", ông Zelensky nói. Khi được yêu cầu đánh giá về hiệu quả chỉ huy của tướng Zaluzhny, ông khẳng định "đánh giá quan trọng nhất nằm ở việc chúng ta vẫn tiếp tục đấu tranh. Khi chúng ta chiến thắng, đó sẽ là đánh giá tuyệt vời nhất".
Vũ Hoàng (Theo NY Times)