Sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự vào nước láng giềng Ukraine ngày 24/2, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có với Nga để đáp trả, như cấm nhập dầu thô cùng một số hàng hóa khác từ nước này, chặn Moskva tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu, đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga.
Nửa năm sau khi xung đột bắt đầu, kinh tế Nga dường như đang vận động tốt hơn so với dự báo về tác động của lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, nhiều người Nga vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể. Họ cảm thấy bị cô lập, bởi ngày càng nhiều công ty quốc tế rút khỏi Nga, trong khi các quốc gia phương Tây muốn cấm người Nga nhập cảnh.
Một đại lý Lamborghini ở Kutuzovsky Prospekt, một tuyến đường chính ở Moskva, vẫn treo băng rôn mừng Ngày Chiến thắng, dù phòng trưng bày tối đen. Lamborghini là một trong số nhiều công ty nước ngoài đã tạm dừng hoạt động hoặc rời khỏi Nga sau khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự.
Nhiều cửa hàng mặt phố tắt đèn, những khoảng trống xuất hiện trong các trung tâm thương mại. Đây từng là những địa điểm được thuê bởi các hãng đồ ăn nhanh nổi tiếng, như McDonald's và Starbuck.
"Ban đầu, chúng tôi rất thất vọng khi chứng kiến làn sóng rời đi này", Yegor Driganov, một thanh niên Nga, chia sẻ. "Nhưng các thương hiệu khác đang bắt đầu xuất hiện và thay thế họ".
"Chúng tôi vẫn dạo quanh như bình thường", Polina Polishchuk, bạn đồng hành của Driganov, mô tả tâm trạng chung của người Moskva.
Nam rapper Timati và doanh nhân Anton Pinskiy ngày 19/8 khai trương cửa hàng Stars Coffee đầu tiên ở Moskva, thay thế thương hiệu Starbucks của Mỹ đã rút khỏi thị trường Nga. Hai người mua lại chuỗi cửa hàng Starbucks hồi tháng 7, cho biết tất cả các cơ sở mới trên khắp nước Nga sẽ hoàn tất khai trương vào cuối tháng 9.
Dù vậy, một số người Nga vẫn hoài nghi về khả năng các thương hiệu bản địa có thể thay thế những cái tên nổi tiếng từ nước ngoài.
Nỗi hoảng loạn từng xuất hiện sau khi phương Tây áp loạt lệnh trừng phạt với Nga đang dần tan biến. Đồng ruble từng mất nửa giá trị so với USD hồi đầu tháng 3 nhưng đã phục hồi, tăng lên cao nhất nhiều năm. Nhưng đồng nội tệ tăng giá lại là gánh nặng với ngành xuất khẩu, bởi giá hàng hóa sẽ đắt hơn, dẫn đến khó cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới.
Triển vọng kinh tế Nga sáng tối đan xen, với những số liệu trái chiều. Tỷ lệ thất nghiệp đang đi xuống, trái với nhiều nhận định, nhưng GDP lại giảm 4% trong quý II và được dự báo giảm gần 8% trong năm nay. Lạm phát năm 2022 của Nga được ước tính khoảng 15%.
Mikhail Sukhorukov, chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm ở chợ Izmailovsky, Moskva, phớt lờ các lo ngại, dù các lệnh trừng phạt từ châu Âu khiến lượng du khách giảm mạnh. "Du lịch có tính chu kỳ, giống như một đợt sóng vậy", Sukhorukov nói, thêm rằng anh chọn lạc quan hơn là bi quan.
Một số người Nga tin rằng chiến dịch quân sự tại Ukraine là điều cần thiết. Số khác lại coi đây là nguồn cơn "đau buồn", bày tỏ đáng tiếc về những thiệt hại mà cuộc chiến gây ra.
Với Romanenko, chiến dịch quân sự đã đặt dấu chấm hết cho kế sinh nhai của ông. "Cuộc chiến phá hủy mọi thứ tôi đang làm, toàn bộ hoạt động kinh doanh. Tôi đang trong quá trình khởi nghiệp và tất cả 8 dự án đã tan tành", Romanenko chia sẻ.
Viktor, thợ mộc 35 tuổi, mất phần lớn khách hàng bởi họ buộc phải tiết kiệm giữa thời kỳ khó khăn. Anh thậm chí còn không thể xây xong nhà của chính mình, do giá vật liệu tăng lên gấp đôi, trong khi thu nhập giảm một nửa.
Viktor từng nghĩ chiến sự chỉ kéo dài hai tháng. "Giờ đây, cuộc chiến sẽ kéo dài nhiều năm và là một thảm họa. Những năm tới, chúng tôi sẽ sống trong đói nghèo và cô lập", thợ mộc này bày tỏ nỗi bi quan.
Nhà phê bình nghệ thuật đã về hưu Valentina Byalik, 83 tuổi, cho rằng "mọi thứ rõ ràng đã thay đổi".
"Thế hệ chúng tôi từng trải qua chiến tranh thời thơ ấu. Thật đáng buồn bởi tuổi già của chúng tôi cũng trong chiến tranh", bà nói. "Ngay cả khi sống xa nơi xung đột, chúng tôi vẫn cảm thấy đau buồn sâu sắc cho những người đã thiệt mạng, bất kể họ mang quốc tịch nào".
Dmitry Nalivayko, bồi bàn 34 tuổi đeo dải ruy băng mang màu quốc kỳ Nga gắn trên balô, nói thật "sai trái" khi dân thường cũng bị vướng vào cuộc xung đột. "Hãy để các chính trị gia chiến đấu, không phải người dân. Tất cả đều đang tổn thương".
Trong khi đó, nhiều người tham gia một diễn đàn gần đây ở ngoại ô thủ đô Moskva, nơi trưng bày những khí tài hiện đại nhất của Nga, bày tỏ sự ủng hộ với chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Vladimir Kosov, 33 tuổi, mặc áo phông in chữ Z màu trắng, cùng mẹ Olga, 55 tuổi, đang tản bộ quanh dàn xe tăng trưng bày. Họ cho rằng Nga có nghĩa vụ hỗ trợ phe ly khai thân Moskva ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.
"Chúng ta phải hỗ trợ họ, dù phải đánh đổi bằng sinh mạng", bà Olga nói. Kosov thì cho rằng "chủ nghĩa dân tộc" ở Ukraine là "mối đe dọa nguy hiểm trong thời đại của chúng ta".
"Cuộc chiến đó là điều cần thiết", Mikhail Nikitin, chuyên gia công nghệ thông tin 35 tuổi, nói tại diễn đàn. "Không sớm thì muộn, chúng ta sẽ chiến thắng và mọi thứ sau đó sẽ ổn thỏa".
Nadezhda Josan, 35 tuổi, quản lý một công ty vệ sinh, thì bày tỏ hy vọng cuộc chiến sẽ sớm kết thúc với chiến thắng thuộc về Nga và "hòa bình giữa Moskva với Kiev sẽ được khôi phục bởi chúng tôi đều từng là những quốc gia thân thiện".
Nhưng nhà phê bình nghệ thuật về hưu Byalik lại bày tỏ nỗi bi quan với tương lai nước Nga khi cuộc chiến kéo dài. "Một quốc gia vĩ đại giờ đã bị cô lập, điều đó rất cay đắng với chúng tôi", bà bày tỏ.
Như Tâm (Theo AFP, LA Times)