Ngày nay, nhiều cha mẹ nuôi con theo kiểu rút kinh nghiệm từ bản thân và chạy theo quan điểm phải vào đại học, phải ngành này, ngành kia... mới gọi là thành đạt. Ít ai quan tâm đến khả năng của con mình. Nhiều người cứ nghĩ con học không giỏi thì phải cho đi học thêm "tối mặt" rồi sớm muộn cũng sẽ đạt 9-10 điểm thôi. Họ không hiểu rằng, điểm 9-10 với học sinh bây giờ không đồng nghĩa với việc con bạn tài năng.
Nhiều phụ huynh đăng lên mạng xã hội, khoe con nhà mình được 9, 10 điểm Văn, nhưng thử hỏi có mấy ai dám đăng toàn bộ bài văn, câu thơ... mà con họ sáng tác lên cho mọi người xem? Có ai khoe bé viết văn, thơ cho báo, tạp chí, được nhuận bút hay giải thưởng bao giờ không? Việc cố gò ép một đứa trẻ theo khuôn mẫu chỉ để lấy về 9-10 điểm, rồi ảo tưởng rằng con mình là thần đồng rốt cuộc cũng chỉ là bệnh thành tích của cha mẹ.
Cũng từ đây, chúng ta thấy xuất hiện một bộ phận sinh viên tốt nghiệp một kiểu nhưng ra làm một kiểu chẳng liên quan gì đến ngành đã học. Rồi chính nhà trường cũng cho như vậy là hay ho, thay vì đào tạo chuyên sâu, họ lại đua mở rộng chương trình theo kiểu cho người học cái gì cũng biết chút chút, với mục tiêu không làm được cái này thì làm cái khác. Cuối cùng, ngành mà sinh viên tốt nghiệp lại thiếu nhân lực kỹ thuật cao trầm trọng, trong khi chính sinh viên đó lại làm một ngành chẳng liên quan.
Điều hài hước vậy nhưng đến giờ vẫn là tiêu chí đào tạo của nhiều trường. Lý do đơn giản vì sinh viên thi theo nguyện vọng của cha mẹ, hoặc theo định hướng "người thành công", "con đường thành công" của cha mẹ chứ không hề có quyền biết mình muốn gì (khi chọn ngành cha mẹ cũng cho tự do lựa chọn đó, nhưng lại trong cái barem giới hạn). Vì có được quyền tự quyết đâu nên thường sau khi tốt nghiệp, rời xa vòng kìm kẹp của cha mẹ, chúng mới thật sự đi con đường mà mình mông lung kia.
>> 'Tranh suất vào trường điểm dù con học làng nhàng'
Thực tế, các bậc phụ huynh bây giờ xem trọng việc học là đúng, nhưng sẽ là hơi quá đáng khi chúng ta đòi hỏi con mình phải luôn đứng đầu lớp hoặc ít nhất điểm các môn phải 9, 10 để ai cũng như ai. Có một kiểu hy vọng con mình là thần đồng, nên cha mẹ bắt trẻ học ngày học đêm, học thêm để đạt được điểm số cao, rồi ảo tưởng rằng con mình thật sự là thiên tài.
Đã không ít lần tôi nói lên quan điểm của mình là trẻ cấp một chỉ học lực trung bình là ổn. Thế nhưng, ai cũng giãy nảy lên, phản bác rằng cấp một là nền móng, phải thế nọ, thế kia mới tạo bước đệm vững chắc cho trẻ. Rồi tới cấp hai, cấp ba, họ cứ theo đà bắt trẻ cắm đầu vào những mục tiêu mà bố mẹ cho rằng cần thiết, phải hy sinh tất cả cho việc học hành.
Nếu trẻ được 9.5 điểm, thay vì khen thưởng, cho phép con được giải lao, đi chơi xả hơi, nhiều phụ huynh lại bắt trẻ cắm mặt vào học nhiều hơn để đạt điểm 10 tuyệt đối. Đa phần trẻ em bây giờ đều học theo kiểu nhồi vịt như vậy, thử hỏi làm sao các em biết mình thích gì, cha mẹ hiểu con mình thật sự giỏi cái gì?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.