"Chiến dịch thu hồi tiêm kích F-35 Anh ở Địa Trung Hải đã kết thúc thành công. Các thiết bị nhạy cảm trên phi cơ không bị đe dọa hay tiếp cận", Bộ Quốc phòng Anh ra thông cáo cho biết, nhưng không công bố hình ảnh xác phi cơ.
Truyền thông Anh cho biết hải quân nước này mất hai tuần để xác định vị trí xác máy bay và thêm một tuần để đưa nó lên mặt biển với sự trợ giúp của hải quân Mỹ và Italy. "Nỗ lực tìm kiếm gặp nhiều khó khăn vì biển động. Xác phi cơ đã được chuyển lên một tàu cứu nạn dân sự", tờ Sun cho hay.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng sự cố bắt nguồn từ lỗi con người, do không quân Anh không đưa ra lệnh cấm bay với lực lượng F-35B sau tai nạn.
Tiêm kích F-35B của không quân Anh gặp sự cố ngay sau khi cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở phía đông Địa Trung Hải hôm 17/11. Phi công phóng ghế thoát hiểm và được giải cứu an toàn. Đây là vụ rơi thứ năm của dòng F-35, không tính đến những sự cố trên mặt đất hoặc khi hạ cánh, cũng là chiếc F-35 đầu tiên bị phá hủy khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công.
Video dài 16 giây được cho là do camera an ninh trên tàu sân bay ghi lại, được đăng trên Twitter hôm 29/11, cho thấy tiêm kích F-35B từ từ di chuyển dọc boong và lên cầu nhảy trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Tuy nhiên, thay vì cất cánh, tiêm kích rơi xuống biển, khiến những người xung quanh hoảng hốt chạy tới.
Điều tra viên nghi ngờ sự cố xảy ra do tấm che mưa bằng nhựa không được tháo đúng cách trước khi tiêm kích cất cánh. Tấm nhựa che mưa nhiều khả năng bị hút vào động cơ, khiến nó mất lực đẩy trong lúc máy bay đang chạy đà. Phi công dường như đã cố gắng hủy cất cánh, nhưng không thể hãm tiêm kích nặng gần 20 tấn trên đường băng ngắn của tàu sân bay.
Nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Anh cho biết "lực lượng Nga không rời mắt khỏi HMS Queen Elizabeth" từ sau tai nạn.
Cố vấn An ninh Quốc gia Anh Stephen Lovegrove cuối tháng 11 cho biết nhiều biện pháp đề phòng nhằm đảm bảo bí mật cho những công nghệ trên dòng F-35 được áp dụng trong quá trình tìm kiếm, đồng thời cảnh báo về năng lực tình báo dưới lòng biển của Nga. "Yếu tố an ninh luôn nằm hàng đầu trong chiến dịch", cố vấn Lovegrove nói thêm.
Vũ Anh (Theo Drive)