"Khi chiến thuật của Nga thay đổi, chúng tôi phải hỗ trợ Ukraine. Các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt này cho phép Ukraine tự vệ tốt hơn khi Nga pháo kích tầm xa dữ dội", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết trong thông cáo ngày 1/6.
Bộ Ngoại giao Anh cũng ra tuyên bố cho biết Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt M270 (MLRS) với tầm bắn lên tới 80 km sẽ "tăng cường đáng kể năng lực cho lực lượng Ukraine". Các binh sĩ Ukraine sẽ được đào tạo cách vận hành các tổ hợp M270 tại Anh để có thể phát huy tối đa hiệu quả.
Động thái chuyển giao M270 của Anh được phối hợp chặt chẽ với Mỹ sau khi nước này quyết định cung cấp cho Ukraine Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS), Bộ Ngoại giao Anh cho biết.
Mỹ trước đó thông báo cung cấp hệ thống pháo phản lực HIMARS có tầm bắn khoảng 80 km cho Ukraine nhằm "đẩy lùi bước tiến của lực lượng Nga". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Kiev đã đảm bảo với họ rằng sẽ không sử dụng HIMARS để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nhằm tránh leo thang căng thẳng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 1/6 lên án Mỹ chuyển pháo phản lực cho Ukraine, chỉ trích họ không làm gì để xử lý cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Ông Ryabkov cũng cảnh báo các đợt viện trợ vũ khí cho Ukraine có thể làm gia tăng nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ.
M270 được Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Tây Đức phát triển từ cuối những năm 1970. Mỗi xe phóng có hai khoang chứa có thể tháo rời, mỗi khoang chứa 6 đạn rocket tiêu chuẩn hoặc một tên lửa dẫn đường, song không thể mang cả tên lửa lẫn rocket cùng lúc.
M270 có thể đánh trúng mục tiêu cách 32-80 km khi sử dụng đạn rocket và tới 500 km khi sử dụng tên lửa. Biến thể M270A1 với giáp tăng cường bắn thử lần đầu vào tháng 6/2015 sau khi được nâng cấp. Anh đang vận hành 42 tổ hợp M270B1, phiên bản tăng cường giáp của biến thể M270A1.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)