Trong thông báo mới nhất về các quyết định ân xá của mình, Tổng thống Donald Trump cho rằng Roger Stone, cố vấn lâu năm và là bạn của ông, bị các công tố viên "đối xử rất không công bằng". Cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort thì được ân xá vì là "một trong số nạn nhân nổi bật nhất của cái được xem như cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử Mỹ".
Peter Baker, biên tập viên của NYTimes, cho rằng Trump cũng tự xem mình là nạn nhân của hệ thống tư pháp Mỹ. Và cách để ông đáp trả là sử dụng chính quyền lực hành pháp của mình để đưa ra hàng loạt lệnh ân xá cho nhiều cựu quan chức, đồng minh và người quen biết. Chỉ riêng trong tuần này, Tổng thống Mỹ đã công bố 49 quyết định ân xá và giảm án.
"Trump đang ở trong cuộc chiến với hệ thống tư pháp hình sự, ít nhất là vì chính bản thân và bạn bè ông", Baker viết. Ân xá là quyền Trump có thể tùy ý sử dụng trước ngày 20/1 và trong những ngày cuối nhiệm kỳ, ông đang tận dụng triệt để nó để làm mất uy tín các cuộc điều tra nhắm vào ông và những người thân cận.
Việc Trump tung ra hàng loạt lệnh ân xá được coi là dấu hiệu cho thấy ông đã ngầm nhận thua trong cuộc bầu cử ngày 3/11, bởi các lệnh ân xá thường chỉ được sử dụng rộng rãi ngay trước thời điểm tổng thống Mỹ rời nhiệm sở. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy một Tổng thống đang phẫn nộ và nỗ lực trong tuyệt vọng để "khuấy đảo" chính trường Mỹ khi nhận thấy các cánh cửa của ông đang dần đóng lại.
49 lệnh ân xá và giảm án trong một tuần có thể được xem là cách Trump bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ của ông với hệ thống tư pháp trước khi rời Nhà Trắng. Đây là quyền lực tối cao mà Hiến pháp Mỹ đã trao cho các tổng thống, trong đó họ có thể toàn quyền quyết định, không cần quốc hội và tòa án thông qua, đồng thời không thể đảo ngược.
Đã có những tổng thống khác từng bị chỉ trích vì sử dụng quyền ân xá cho các đồng minh chính trị. Tháng 12/1992, Tổng thống George H.W. Bush ân xá cho 6 bị cáo trong bê bối Iran-Contra (các quan chức cấp cao trong nhiệm kỳ thứ hai của Reagan bí mật tạo điều kiện bán vũ khí cho Iran). Trong tuần cuối cùng tại vị năm 2001, Tổng thống Bill Clinton đã ân xá cho nhà tài chính Marc Rich, người bị truy tố về tội trốn thuế và gian lận thuế. Vợ cũ của Rich đã quyên góp nhiều tiền cho gia đình Clinton.
Nhưng hiếm có ai sử dụng quyền lực này để "tấn công" hệ thống tư pháp theo cách của Trump. Theo hướng dẫn chung của Bộ Tư pháp, lệnh ân xá thường chỉ được xem xét 5 năm sau khi người xin ân xá hoàn thành bản án, đồng thời phải được chứng nhận đã chấp hành tốt bản án đó.
Nhưng tổng thống Mỹ không phải theo các quy định này và Trump nổi tiếng là người "phá vỡ" các nguyên tắc. Ông không xem lệnh ân xá là hành động thể hiện lòng thương xót và phục vụ lợi ích cộng đồng, mà đó là cách để khẳng định sự minh oan.
Ngoài Stone và Manafort, Tổng thống tuần này đã ân xá cho ba người khác bị kết tội khai man trong cuộc điều tra Nga do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn dắt. Các lệnh ân xá này đến sau khi Trump tháng trước quyết định ân xá cho Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông. Tất cả đều nằm trong nỗ lực lớn hơn của Trump nhằm xóa bỏ cái mà ông gọi là cuộc điều tra "lừa bịp".
Giới phê bình cáo buộc Trump lạm dụng quyền lực để cản trở công lý bằng cách "trao thưởng" cho các đồng minh ngăn chặn cuộc điều tra chống lại ông. "Các lệnh ân xá này từ Tổng thống cũng chẳng khác gì việc ban trao quyền ân xá cho một ông trùm", Andrew Weissmann, cộng sự hàng đầu của Mueller, viết trên Twitter.
Một số người tham gia hội nghị soạn thảo hiến pháp Mỹ từng bày tỏ lo lắng về kịch bản tương tự. George Mason, một trong những "người sáng lập nước Mỹ", đã cho rằng "tổng thống không nên có quyền ân xá, bởi ông ấy có thể ân xá cho những tội phạm mà chính ông ấy ra chỉ đạo tiến hành".
Trong khi nhiều người chỉ trích nói rằng các lệnh ân xá của Trump có thể cản trở công lý, khi chỉ ra Tổng thống thường đề cập tới lệnh ân xá vào đúng thời điểm Manafort chịu áp lực hợp tác với các nhà điều tra.
Tại phiên điều trần phê chuẩn William Barr trở thành Bộ trưởng Tư pháp hồi năm 2019, thượng nghị sĩ Patrick Leahy, thành viên đảng Dân chủ ở bang Vermont, đã hỏi Barr về điều đó. "Ông có nghĩ một tổng thống có thể đưa ra lệnh ân xá để đổi lấy lời hứa không buộc tội ông ấy hay không?", Leahy hỏi,
"Không. Đó sẽ là một tội ác", Barr khi đó trả lời.
Một số thành viên Dân chủ đã tìm cách kiềm chế quyền ân xá của Trump. Nghị sĩ Steve Cohen của bang Tennessee năm ngoái đề xuất dự luật cấm Tổng thống tự ân xá cho bản thân, gia đình và thành viên chính quyền hoặc chiến dịch tranh cử của ông. Thượng nghị sĩ Christopher Murphy của bang Connecticut thậm chí kêu gọi xóa lệnh ân xá này khỏi Hiến pháp.
Manafort và Stone không phải là những người duy nhất được hưởng lợi từ quyền ân xá mà Trump dành cho những đồng minh hoặc bạn bè của ông. Charles Kushner, bố của Jared Kushner, đồng thời là ông thông gia của Trump, cũng vừa được ân xá hôm 23/12.
Với các quyết định ân xá này, Trump cho rằng ông đang nỗ lực chống lại những hành vi sai trái của hệ thống thực thi pháp luật, mà ông tin rằng mình cũng là nạn nhân của nó. Và Trump cũng không che giấu chuyện ông đang thảo luận về việc ân xá cho các thành viên gia đình và chính mình.
Giới quan sát nhận định với quan điểm như vậy, trong chưa đầy 4 tuần còn lại ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục tận dụng triệt để "vũ khí" cuối cùng trong kho quyền lực của mình.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)