Tổng thống Donald Trump đêm 22/12 khiến toàn bộ Washington, thậm chí cả những cố vấn thân cận của ông, bất ngờ với một video đăng trên Twitter lúc 23h, đưa ra loạt yêu cầu đòi sửa dự luật cứu trợ Covid-19 và dự luật ngân sách chính phủ mà chính quyền ông đã từng giúp soạn thảo và ủng hộ.
Từ đêm hôm đó cho tới ngày hôm sau, nhiều thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa, trợ lý ở Đồi Capitol và thậm chí cả quan chức Nhà Trắng phải chạy đua với thời gian để tìm hiểu xem Trump thực sự muốn gì, khi các nhà lập pháp và cả Tổng thống đều đang rời Washington cho kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Các yêu cầu thất thường của Trump một lần nữa đẩy Washington vào cảnh hỗn loạn, làm cả đồng minh lẫn đối thủ bối rối và khiến nhiều người Mỹ đang chật vật với đại dịch có thể sẽ không nhận được khoản trợ cấp như đã được hứa hẹn từ lâu.
Không ai ở cả hai đảng thực sự biết kế hoạch của Trump là gì hoặc thậm chí nó có tồn tại hay không. Nghị sĩ đảng Cộng hòa đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến chiều 23/12, nhưng nó cũng không giúp họ hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại. Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy nói với các thành viên Cộng hòa rằng ông đã nói chuyện với Trump, nhưng Tổng thống không cam kết bất kỳ điều gì, theo hai người biết về cuộc nói chuyện này. Trong khi đó, Nhà Trắng không trả lời yêu cầu bình luận về dự luật này.
"Thật sự thảm hại", một trợ lý hàng đầu của đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol tóm lược tình hình hiện tại.
Động thái của Trump đã khiến nhiều thành viên Cộng hòa bất bình. Nghị sĩ Don Bacon của bang Nebraska đã phàn nàn rằng Trump "phản bội" đảng Cộng hòa, trong khi nghị sĩ Virginia Foxx của Bắc Carolina nói họ cần các thành viên của đảng nói rõ ràng dự luật này trên truyền hình.
Hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Nếu các nhà lập pháp và trợ lý Nhà Trắng không thể thuyết phục Tổng thống ký dự luật chi tiêu và hỗ trợ Covid-19 trước ngày 28/12, chính phủ sẽ bước vào lần đóng cửa thứ 4 trong nhiệm kỳ của Trump. Trong khi đó, hàng triệu người dân và doanh nghiệp Mỹ đang trông chờ vào các gói hỗ trợ từ chính phủ sẽ phải thất vọng.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã rời Washington chiều 23/12 để tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, nơi ông dự kiến ở lại đón năm mới, mà không nói thêm điều gì về dự luật. Dường như không ai có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Đây chỉ là một trong số nhiều động thái khó lường của Trump trong những tháng ngày cuối cùng ở Nhà Trắng. Khi ngày nhậm chức của Joe Biden càng gần, nước Mỹ được cho là sẽ phải chuẩn bị cho những "kịch bản" càng bất ngờ hơn từ phía Trump. Hành vi của Trump gần đây đã khiến nhiều nhà phê bình lo ngại và cảnh báo về những nỗ lực nắm quyền lực trong tuyệt vọng của ông chủ Nhà Trắng, theo nhận định của David Smith, trưởng văn phòng đại diện của Guardian ở Washington.
Trong những tuần gần đây, Trump đã có nhiều hành động khiến quan chức Mỹ, thậm chí cả các phụ tá và đồng minh của ông e ngại. Không chỉ yêu cầu sửa đổi dự luật ngân sách và hỗ trợ Covid-19, ông còn phủ quyết dự luật ngân sách quốc phòng thường niên vốn được phe Cộng hòa ủng hộ. Trump cũng tiếp tục ban hàng loạt lệnh ân xá cho đồng minh và người thân, trong đó có ông thông gia Charles Kushner.
Trump trước đó cũng đưa ra nhiều ý tưởng gây lo ngại như bổ nhiệm luật sư Sidney Powell làm công tố viên đặc biệt điều tra gian lận bầu cử, hay ra sắc lệnh hành pháp cho phép chính phủ liên bang thu giữ máy bỏ phiếu ở các bang chiến trường. Những ý tưởng này đều vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính các cố vấn cấp cao Nhà Trắng.
"Tôi cho rằng chúng ta không thể đoán định được mức độ 'cơn thịnh nộ' của Trump trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng", Tara Setmayer, cựu giám đốc truyền thông của đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol, nói.
Nhiều nguồn tin cho biết Trump gần đây đang lên kế hoạch cho nỗ lực cuối cùng nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tại quốc hội vào ngày 6/1. Đây cũng được xem là "phép thử" lòng trung thành cuối mà Trump tung ra cho các đồng minh của ông. Điều này khiến không ít thành viên Cộng hòa lo ngại sự nghiệp chính trị của họ sẽ gặp khó khăn nếu từ chối lên tiếng ủng hộ Trump.
Setmayer thêm rằng không ai có thể lường trước những điều Trump và đồng minh trung thành có thể làm trong thời gian tới. Setmayer chỉ ra vụ Trump triển khai lực lượng an ninh dẹp người biểu tình ôn hòa bên ngoài Nhà Trắng hồi đầu tháng 6 là một dấu hiệu đáng cảnh báo.
"Tôi nghĩ rất nhiều người từng không thể tưởng tượng những gì đã diễn ra ở quảng trường Lafayette hôm 1/6 có thể xảy ra ở Mỹ, nhưng nó đã xảy ra. Đó là điều mà tôi nghĩ làm dấy lên cảnh báo cho rất nhiều người trong chúng ta, vốn đang dõi theo những gì đang diễn ra", bà nói.
Tuy nhiên, bà Setmayer tin rằng các thể chế, cơ quan của Mỹ vẫn giữ được tính toàn vẹn bất chấp sức ép từ Tổng thống trong những tuần cuối cùng. Bà thêm rằng Tổng thống sẽ "hết đường" khi quá trình chuyển giao quyền lực hoàn tất và ngày càng nhiều đồng minh quay lưng với Trump.
Một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại về trạng thái tâm lý của Trump khi tất cả các cánh cửa đều đóng lại và ông buộc phải đối diện với điều mà ông chưa từng muốn nghĩ tới: trở thành người thua cuộc. Mary Trump, cháu gái Tổng thống Mỹ, nói rằng "ông ấy chưa từng ở trong một tình huống mà ông ấy thua theo cách không thể tìm thấy lối thoát".
Nhiều người khác cho rằng bên cạnh "cơn thịnh nộ" mà Trump đang trút xuống ở Washington, ông chủ Nhà Trắng đang chuẩn bị cho sự nghiệp tiếp theo, có thể là kinh doanh, truyền thông hoặc chính trị, sau khi rời nhiệm sở vào ngày 20/1 tới.
"Tôi nghĩ ông ấy đang cố khuấy động đủ năng lượng và sự phẫn nộ trong những người ủng hộ mình để chứng kiến ông bước vào thời kỳ hậu tổng thống. Nó như thể là nỗ lực để duy trì vị thế như khi ông còn ở Phòng Bầu dục, bởi Trump hiểu rằng sự chú ý đối với ông sẽ phai nhạt nhanh chóng", Michael D'Antonio, tác giả cuốn The Truth About Trump (Sự thật về Trump), nói.
D'Antonio nhận định các nỗ lực "khuấy đảo" chính trường Mỹ của Trump trong những tuần cuối cùng không nhằm mục đích nào khác ngoài khiến cho những người ghét ông phải thất vọng, đồng thời khiến những người ủng hộ càng thêm gắn bó.
Thanh Tâm (Theo Politico, Guardian)