"Hành là chính" – cụm từ đã tồn tại từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn là một vấn đề gây nhiều ức chế, xung đột ở các cơ quan hành chính công thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hệ lụy của nó đã quá rõ ràng. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn đề cập đến vấn đề hành chính tại một nơi dường như "im hơi lặng tiếng" hơn, ít được nhắc đến, được mang ra "mổ xẻ", bàn luận hơn trong cộng đồng: các trường đại học.
Từng là sinh viên, cao học viên, và hiện tại là nghiên cứu sinh của một trường đại học công lập có bề dày lịch sử và truyền thống đào tạo tốt, tôi đã được trải qua và quan sát công tác hành chính của ngôi trường mình theo học một thời gian dài. Cảm xúc đọng lại trong tôi sau mỗi lần giải quyết công việc dường như không khác gì một người dân đang ức chế, bực bội vì "bị hành" khi đến làm thủ tục ở cơ quan công quyền, dù mình đã tìm hiểu kỹ, nắm rõ, và chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ cần thiết theo quy định.
Vào năm thứ ba Đại học, sinh viên chúng tôi nhận được thông báo ngành học của mình sẽ được giảm 70 % học phí theo Thông tư mới của liên Bộ Tài chính – Giáo dục & Đào tạo. Tôi rất vui, vì mình sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể cho những việc cần thiết khác. Đối với các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đây quả thật là một khoản tiết kiệm không nhỏ.
Nhưng, bao nhiêu khấp khởi vui mừng khi chúng tôi bước vào phòng Công tác sinh viên là bấy nhiêu ức chế, buồn bực khi chúng tôi bước ra. Giảm 70 % học phí, nhưng sẽ thực hiện bằng cách sinh viên vẫn đóng 100 % học phí trước, rồi làm thủ tục rút 70 % lại sau. Ròng rã ba học kỳ, chúng tôi phải "chạy" theo "sự tung hứng, nhảy cóc qua lại" giữa bộ phận Công tác sinh viên của trường và Sở Lao động – Thương binh – Xã hội địa phương.
>> Chúng ta mắc kẹt trong mớ thủ tục rườm rà
"Chưa thể giải quyết được vì chưa có hướng dẫn", "chưa nhận được thông tư này", "liên hệ lại với nhà trường", "trường không giải quyết được"..., những câu nói từ lạnh lùng ấy của các cán bộ hành chính luôn thường trực trên "chót lưỡi đầu môi" của cán bộ tiếp nhận và thực hiện, không một lời giải thích, không một câu hướng dẫn rõ ràng. Chúng tôi được "quăng" cho một thông báo, và thế là hết. Mọi việc khác, "mặc định" chúng tôi phải tự biết, tự lo.
Để nhận được tiền miễn giảm, không còn cách nào khác, sinh viên chúng tôi phải tự mày mò, tìm hiểu, đến tận nơi để hỏi thông tin. Những bạn nào đã hỏi được trước sẽ "share lên group" các bạn khác để nhanh chóng hơn. Chúng tôi "đơn thương độc mã" "vật lộn" với tiền miễn giảm như thế.
Những tưởng sau những ngày tháng "cam go" ấy, chúng tôi sẽ được "đền đáp" xứng đáng, thì thực tế thật phũ phàng: hơn 70 % sinh viên cùng khóa tôi chỉ nhận lại được tiền miễn giảm của một học kỳ, chỉ khoảng 10 % nhận được tiền miễn giảm của hai học kỳ (mà sau này tôi biết được là do các bạn "bền bỉ phi thường", "không ngại bỏ thời gian ăn vạ" ở địa phương mới lấy được), và gần như không có bạn nào nhận được tiền miễn giảm của cả ba học kỳ.
Đến học kỳ thứ tư, không biết có phải vì "rắc rối, phiền phức" quá hay không, mà không còn ai đoái hoài, thực hiện nữa. Cũng không có một thông báo chính thức nào. Thông tư ấy "biến mất" như thể có phép lạ, để lại mỗi sinh viên chúng tôi với một nhận định, suy đoán của riêng mình.
Chúng tôi thực tế cũng đã quá mỏi mệt sau ba học kỳ ròng rã "hao tâm tổn sức" như vậy. Một thông tư vốn dĩ rất nhân văn, tốt đẹp, khi thực thi bị "bóp méo, nhào nặn" đến độ chẳng còn ra hình thù gì, để lại chi chít những "vết nứt" của sự mỏi mệt, chán chường, buồn bực, ức chế cho những người lẽ ra phải được hưởng, được nhận những điều tốt đẹp ấy.
>> Hành chính phiền hà vì 'đúng quy trình'
Câu chuyện năm đó vẫn là một "vết sẹo" tinh thần trong tôi cho đến tận ngày nay. Cho đến tận bây giờ, khi đã ra trường, theo học lên những bậc cao hơn, thì dường như "hành là chính" vẫn chưa bao giờ thôi là "tôn chỉ ưa thích" của trường, chí ít là ở bộ phận Đào tạo và Công tác sinh viên.
Không ít lần tôi đăng ký nhận bảng điểm đào tạo và được giải quyết với thái độ như thể tôi là người đi xin xỏ, hay phạm lỗi gì to lớn. Không ít lần là thái độ trịch thượng, bề trên khi tôi liên hệ giải quyết công tác học vụ. Không ít lần là những sự trách ngược, sự vô lý đến cực cùng của những thủ tục, công việc mà lẽ ra thuộc bổn phận và trách nhiệm của bộ phận Đào tạo, hay Công tác sinh viên.
Giờ đây, một năm học mới sắp đến, trong bối cảnh xã hội vẫn đang vật lộn "chữa lành" những thương tổn do đại dịch Covid-19 gây ra, lại phải gánh chịu thêm chồng chất những khó khăn mới: giá xăng dầu tăng phi mã và liên tục phá kỷ lục, kéo theo tất cả mọi mặt hàng tiêu dùng đều đắt đỏ hơn; học phí tăng cao ở các trường thuộc mọi cấp học. Đó là chưa kể đến những "cái tăng" không hợp lý, thỏa đáng như giá sách giáo khoa mới. Thế hệ sinh viên tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề mới, nhất là khó khăn về tài chính.
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, những hỗ trợ về tài chính sẽ chưa bao giờ hết cần thiết, hết quan trọng đối với các bạn sinh viên. "Ăn phải đủ no, mặc phải đủ ấm, tinh thần phải vui vẻ" thì mới có thể nghĩ đến những việc cao hơn. Tiêu diệt những "con sâu hại" trong thủ tục hành chính trường đại học, là ta đã chuẩn bị được một chỗ đất tốt để những mầm non có cơ hội vươn mình thành đại thụ.
>> Bạn có bị hành bởi những thủ tục hành chính? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.