Tôi thuộc thế hệ cuối 8X đầu 9X. Bố mẹ tôi thuộc thế hệ đầu 6X. Bố mẹ tôi có đến 5 người con trong khi tôi kết hôn 7 năm nhưng chưa có ý định sinh con. Khoảng cách của bố mẹ đến tôi là gần 30 năm nhưng điều gì đã làm nên sự khác biệt to lớn như vậy?
Thứ nhất là muốn sinh con, người phụ nữ phải hy sinh rất nhiều. Tôi vừa đọc một tâm sự của một em gái được cho thôi việc ngay trong mùa giãn cách chỉ vì lý do mang thai. Em ấy trình bày rằng đang có hợp đồng làm việc một năm cho một công ty. Làm việc cho công ty và đồng nghiệp vẫn rất ổn.
>> Mua được nhà Sài Gòn mới tính chuyện sinh con
Nhưng khi biết em mang thai ngoài ý muốn, công ty đã báo là không tái ký hợp đồng làm việc cho năm tới trong khi hợp đồng hiện tại đến 31/12 này là hết hạn. Sau đó sếp bắt bẻ đủ mọi chuyện và tìm cách thanh lý hợp đồng sớm để nhân sự tìm người khác vào thay thế.
Ở trường hợp này, tôi không bàn chuyện công ty kia đúng hay sai. Nhưng nó cho thấy việc mang thai, sinh con không biết từ bao giờ đã trở thành một gánh nặng trong sự nghiệp của người phụ nữ. Có những công ty còn ra điều kiện là trong 2,3 năm đầu tiên làm việc không được mang thai. Nếu vi phạm sẽ thanh lý hợp đồng.
Một số trường hợp khác, người phụ nữ sau khi sinh con thì con đường thăng tiến học vấn, sự nghiệp bị đứt đoạn. Có người chấp nhận trở thành một nhân viên bình thường, dành phần lớn thời gian để nuôi và chăm sóc con. Chỉ một số ít vượt qua bản lĩnh chính mình để vừa xuất sắc trong sự nghiệp, vừa làm bà mẹ nuôi dạy con tốt.
Kế đến nữa là gánh nặng nuôi con song song với việc mua nhà. Trừ những trường hợp có cha mẹ giàu sẵn, hỗ trợ mua nhà, nuôi con thì tôi không nói làm gì. Còn những trường hợp vợ chồng tự thân vận động, tự tạo dựng sự nghiệp ở đất thành phố thì việc sinh con và nuôi con là một nhiệm vụ nặng nề. Nếu cộng thêm thời gian mua nhà trả góp thì phải mất cả thanh xuân.
Lấy ví dụ như bố mẹ tôi đều làm nông, ông bà chủ động về mặt thời gian làm việc nên chuyện sinh đẻ và chăm sóc con dường như rất dễ dàng. Mẹ tôi tuy mát tay nhưng năm anh em vẫn có đứa bị bệnh vặt. Mỗi lúc con bệnh vặt như thế, bố mẹ tôi đều hoàn toàn chủ động đưa anh em tôi đến trạm y tế, đến bệnh viện khám.
Bố mẹ tôi làm điều đó mà không cần phải viết đơn xin nghỉ, nhìn sắc mặt của sếp hoặc chạy vạy, năn nỉ nhờ đồng nghiệp hỗ trợ giúp việc để được đưa con đi khám bệnh. Nhờ được chia một phần đất canh tác và đất làm nhà ở, ông bà ung dung nuôi đàn con mà không cần phải quá lo lắng về KPI công ty, về tiền thuê nhà hoặc tiền trả góp nhà. Không cần phải chạy tiền học phí cho con đi học ILETS tiếng Anh, học đàn, học bơi, học năng khiếu...
>> Gánh nặng người già chăm nhau khi không có con
Chung quy lại trong câu chuyện hỗ trợ 9 triệu đồng để sinh con thứ hai ở một số tỉnh thành. Tôi thấy đây là một giải pháp để khuyến khích người dân sinh nở khi dân số có dấu hiệu già và giảm. Nhưng ở mặt một người phụ nữ chưa sinh con, tôi thấy số tiền 9 triệu hay 90 triệu cũng khó tác động sâu rộng đến vấn đề. Người nào muốn sinh con thì họ sẽ sinh, dù có hỗ trợ hay không (trước đây sinh con thứ 3 bị phạt nhưng vẫn có người sinh cơ mà). Người nào sợ sinh con thì dù hỗ trợ 9 triệu mỗi tháng thì họ vẫn sợ mà thôi.
Như trường hợp tôi, thú thật đã ngoài ba mươi rồi mà vẫn chưa có ý định sinh con đầu lòng "cho vui cửa vui nhà" như nhiều người khuyên. Thật sự, nếu tài chính ổn một chút, nhà cửa có sẵn thì sinh con mới cảm thấy thoải mái. Mới dồn hết toàn tâm, toàn ý chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ con cho tốt.
Còn sinh con mà phải lo tiền học phí, tiền sữa, tiền trả góp mua nhà...Tháng nào cũng sợ hụt KPI đồng nghĩa với giảm tiền lương thì sao vui nổi. Và cuộc đời mỗi người chỉ có mấy chục năm mà thôi, việc nuôi một đứa trẻ cho đến khi khôn lớn cũng tầm 20 năm và mua căn chung cư trả góp cũng trong cùng khoảng thời gian đó, nói vui theo kiểu bây giờ là dành cả thanh xuân để trả nợ mua nhà và nuôi con thì quả thật khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.
Vân Hà
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.