Tôi là một người rất yêu quý Đà Lạt, mỗi năm tôi đều lên thăm thành phố vài bận. Không để chơi bời gì cả mà chỉ đề hưởng thụ không khí, khung cảnh rằng: "Mình đang ở Đà Lạt".
Gần đây, thông tin quy hoạch Dinh tỉnh trưởng sẽ nâng tòa nhà này lên 28 m và xây khách sạn 10 tầng khiến nhiều người chú ý. Ủy ban tỉnh Lâm Đồng đang lấy ý kiến của Hội kiến trúc sư trước khi quyết định chính thức.
Nhiều người bảo tòa Dinh Tỉnh trưởng là di sản của Đà Lạt. Và đây cũng chỉ là một trong những di sản khác của Đà Lạt bên cạnh Nhà thờ Con Gà, trường Cao đẳng Sư phạm, Ga xe lửa Đà Lạt, hồ Xuân Hương... Nhưng đi sâu hơn, bản sắc của Đà Lạt là gì thì có lẽ hiếm ai trả lời cụ thể và đầy đủ nhất.
>> Cái chuồng bò ở nước Đức và rạp Hòa Bình ở Đà Lạt
Tôi mạn phép đưa ra một số "bản sắc", theo tôi: là cảnh mai anh đào nở rực trước nắng xuân, là cảnh hoa ban nở trắng trời tháng 4, là hoa phượng tím, là những buổi tối lạnh co ro 15 độ C ngồi bên bờ hồ Xuân Hương, ủ trong tay củ khoai nướng còn nóng hổi... Xưa hơn, bản sắc của Đà Lạt là những rừng thông vi vu gió, là những bãi cỏ xanh non, là xe ngựa, là những biệt thự đơn lẻ trong rừng...
Nhưng bây giờ, nhiều người than vãn với tôi là Đà Lạt đánh mất chính mình. Đà Lạt không còn như xưa nữa. Chỉ đôi ba chục năm trước, Đà Lạt lạnh hầu như quanh năm. Bây giờ thì tôi nghe nói chỉ lạnh buốt mấy tháng sang đông, còn mùa hè thì hầu như không lạnh, chỉ mát mẻ hơn Sài Gòn. Ngày xưa cứ tối là có sương phủ mờ ảo từ đèo Prenn. Nay thì có hôm có, có hôm không.
Về cảnh quan chung, nhà kính trồng rau và nhà ống chen chúc nhau đã tạo nên một thành phố thật là bát nháo. Theo một thống kê, Đà Lạt có khoảng 10.000 ha nhà kính, trong khi diện tích của thành phố là 39 460 ha. Lấy khu Hòa Bình làm tâm, ta nhìn một vòng quanh Đà Lạt chỉ thấy khách sạn, nhà ống chen chúc nhau đông đúc và chật hẹp.
>> Quy hoạch Đà Lạt để không phải hối tiếc
Trước đây mọi người đến Đà Lạt là để nghỉ dưỡng, bây giờ là để vui chơi giải trí. Nhưng như tôi đã trình bài ở bài viết trước, đến Đà Lạt bây giờ cũng chẳng có gì để chơi. Các khu homestay, farmstay, quán cà phê tự phát, manh mún... thiết kế kiến trúc mỗi người một ý. Không hề có một nền nếp, khuôn khổ nào - thứ vốn được người Pháp quy hoạch khá bài bản và kỹ lưỡng. Tất cả đã tạo nên một Đà Lạt thập cẩm như hiện tại.
Thứ hấp dẫn du khách, thứ làm cho du khách thương nhớ Đà Lạt và định hình sâu trong tâm trí của họ chính là hệ thống di sản và cảnh quan, khí hậu. Khi khí hậu đã có sự thay đổi so với cách đây vài chục năm. Cảnh quan cũng dần trở nên xa lạ. Các di sản thì bị xuống cấp, bị bỏ phế, không tôn tạo để hấp dẫn du khách hơn...
Như vậy, trong tương lai, du khách sẽ đến với Đà Lạt vì điều gì?
Xuân Trung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.