UBND tỉnh Lâm Đồng vừa gửi văn bản xin ý kiến của Hội kiến trúc sư Việt Nam về quy hoạch xây dựng hệ thống khách sạn 10 tầng cùng với nâng Dinh tỉnh trưởng lên 28 m. Đây là phương án thiết kế được tỉnh chọn nằm trong 3 phương án đưa ra lấy ý kiến người dân, chuyên gia cách đây một năm. Hai phương án còn lại là xây tòa cao ốc ôm trọn xung quanh Dinh và xây tòa cao ốc phía trước Dinh.
Dinh tỉnh trưởng nằm trong đồ án quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình - một trong 5 phân khu thuộc 30 ha trung tâm TP Đà Lạt được UBND Lâm Đồng công bố bản đồ quy hoạch đầu năm 2019. Toà nhà nằm trên đồi thông, do người Pháp xây dựng trước năm 1910, từng là nơi sinh sống, làm việc của thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức (tên trước đây của Lâm Đồng). Hiện, tòa dinh thự thuộc quản lý của Trung tâm văn hóa tỉnh.
Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, sau thời gian lấy ý kiến người dân và các chuyên gia, đa số đều chọn đề xuất nâng Dinh tỉnh trưởng lên 28 m, giống với phương án mà UBND và Tỉnh ủy chọn đưa vào quy hoạch, xây dựng. Bốn tháng trước, sau khi làm việc với Sở Xây dựng về phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh, lãnh đạo Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam thống nhất phương án tỉnh đưa ra.
Phương án được chấp thuận, dinh sẽ được giữ nguyên vẹn và nâng cấp trở thành một Bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới (nâng cao 28 m), mở cửa cho mọi người tham quan. Theo thiết kế của kiến trúc sư Thierry Van de Winagaert, nơi đây còn xây dựng, phát triển các tiện ích hiện đại từ dịch vụ khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ (quần thể khách sạn 10 tầng).
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng lý giải việc xin ý kiến của Hội kiến trúc sư Việt Nam để địa phương có nhìn nhận khách quan của các chuyên gia trong lĩnh vực về kiến trúc. Ý kiến của hội để tỉnh tham khảo, có sự điều chỉnh, lựa chọn phù hợp khi thực hiện các bước tiếp theo của dự án. Đến nay, tỉnh chưa có quyết định cuối cùng về quy hoạch xây dựng ở khu vực này.
Sáng 2/11, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết hội chưa nhận được văn bản của tỉnh Lâm Đồng về lấy ý kiến phương án Dinh tỉnh trưởng.
Trả lời VnExpress, KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ) cho hay, không gian xanh với hàng cây cổ thụ trên đồi cùng với Dinh tỉnh trưởng là một trong những "di sản" hiếm hoi, quý giá còn sót lại của "Khu di sản Phố Việt" ở trung tâm TP Đà Lạt.
Nếu UBND tỉnh Lâm Đồng chọn phương án "bảo tồn" nâng Dinh lên 28 m để xây cụm khách sạn 10 tầng phía dưới, sẽ đồng nghĩa với việc chặt hết hàng cây cổ thụ, xóa sổ không gian xanh công cộng trên đồi Dinh, phá một di sản thật để xây "di sản giả" trên đỉnh hệ thống khách sạn 10 tầng.
"Việc nâng dinh này lên 28 m và giữ nguyên vẹn chỉ là cách nói cho qua chuyện để được thông qua phá dỡ. Bởi bản thân kết cấu của dinh không phải là nhà rường có thể tháo ra, sau đó ráp lại như cũ", ông Sơn nói và cho biết toà nhà Dinh đã xưa cũ, chủ yếu kết cấu gạch, bêtông nên chỉ có thể chỉnh trang tại chỗ.
Theo ông Sơn, chính quyền nên giữ lại mảng xanh, di sản cần được sửa sang, xung quanh bổ sung công trình nhỏ như thư viện, nhà sinh hoạt cộng đồng... tạo nên không gian công cộng trên cao của toàn "Khu phố đi bộ Hòa Bình" như cách làm của một số nước châu Âu. Nhờ đó, người dân trong khu vực có cơ hội cải tạo, nâng cấp nhà cửa của mình đi kèm các lợi ích kinh tế, để cùng nhau phát triển, giàu có hơn.
Ngoài ra, chính quyền Lâm Đồng nên tổ chức một cuộc thi quy hoạch, kiến trúc "Khu phố Việt di sản Hòa Bình", bao gồm đồi Dinh, theo hướng bảo tồn và chỉnh trang, phù hợp quy hoạch Đà Lạt đã được Thủ tướng phê duyệt, xác định rõ khu Hòa Bình nằm trong khu trung tâm di sản của TP Đà Lạt.
"Là một nhà chuyên môn, chúng tôi chỉ có thể góp ý thông qua kinh nghiệm và kiến thức nghề nghiệp. Quyết định tương lai của Đà Lạt nằm trong tay lãnh đạo và người dân thành phố", ông Sơn cho biết.
Ông Sơn cho rằng khi quy hoạch, xây dựng dự án, chính quyền nên nghĩ đến viễn cảnh tương lai của một đô thị di sản và nghỉ dưỡng nhưng không thấy không gian xanh và sương mù, mà chỉ toàn nhà cao tầng, ngập lụt và kẹt xe. Những quyết định sai sẽ gây nhiều tác hại cho Đà Lạt và rất khó sửa đổi trong tương lai.
Phước Tuấn