Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo như trên, thêm rằng bệnh uốn ván nguy hiểm, gây tử vong nhanh. Nha bào uốn ván có thể xâm nhập vào cơ thể qua mọi loại vết thương, không phân biệt kích thước, mức độ nặng nhẹ. Nếu vết thương sâu, tình trạng dập nát, nhiễm đất, phân của người, động vật... nguy cơ nhiễm uốn ván sẽ cao hơn. Dưới đây là bảy nhóm người có khả năng nhiễm uốn ván cao, cần chú ý chủ động tiêm ngừa.
Nhân viên vệ sinh
Những người thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh có khả năng cao bị thương do mảnh chai, kim tiêm, chất thải độc hại. Mầm bệnh uốn ván thường trú ẩn và sinh sôi ở những môi trường ô nhiễm. Vì vậy, nhóm ngành nghề này có nguy cơ nhiễm bệnh uốn ván rất cao.
Công nhân xây dựng, nhà máy
Công trường xây dựng chứa nhiều khói bụi, đất cát, sắt thép hoen gỉ, là điều kiện lý tưởng để mầm bệnh uốn ván tồn tại. Công việc tại đây nặng nhọc, đòi hỏi các công nhân, kỹ sư cần thường xuyên leo trèo, mang vác vật nặng, dễ gặp tai nạn lao động dẫn tới nguy cơ mắc uốn ván cao.
Những người làm việc ở nhà máy có thể gặp thương tích do kim đâm, máy dập. Do đó, bên cạnh vấn đề đảm bảo an toàn lao động, nhóm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp cũng được khuyến cáo tiêm ngừa uốn ván để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Điều dưỡng, bác sĩ
Công việc của bác sĩ, điều dưỡng đòi hỏi thường xuyên thao tác với kim tiêm, dao phẫu thuật, các vật sắc nhọn. Từ đó, họ dễ bị tổn thương trên da và phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C, HIV cũng như nhiễm trùng uốn ván.
Người chăm sóc động vật
Các vết thương nhỏ, sâu do động vật cào, cấu tiềm ẩn nguy cơ bệnh dại và uốn ván. Do đó, người chăm sóc thú cưng, động vật nên tiêm dự phòng hai vaccine uốn ván và dại.
Ngoài ra, mầm bệnh uốn ván thường được tìm thấy trong đất bẩn, phân động vật như ngựa, trâu bò. Công việc trồng trọt, làm vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm khiến người nông dân dễ bị tổn thương da, xây xát, tạo điều kiện cho mầm bệnh uốn ván xâm nhập gây bệnh.
Phụ nữ mang thai
Trong kỳ sinh nở, phụ nữ có nguy cơ cao mắc uốn ván do có các vết thương hở như vết mổ, vết rạch tầng sinh môn. Tiêm vaccine vào ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối thai kỳ sẽ bảo vệ mẹ, truyền kháng thể bảo vệ em bé khỏi nguy cơ mắc uốn ván sơ sinh.
Bác sĩ Khương khuyến cáo người dân rà soát lịch sử tiêm chủng uốn ván để tiêm vaccine dự phòng.
Trẻ em: Nhóm này tiêm vaccine có thành phần uốn ván có trong các mũi tiêm đầu đời trước hai tuổi, sau đó cần tiêm nhắc vào các mốc 4-6 tuổi, 9-15 tuổi và mỗi 5-10 năm sau đó tùy theo từng loại vaccine.
Người lớn: Những người không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm 3 liều vaccine trong vòng 7 tháng, sau đó tiêm nhắc sau mỗi 5-10 năm. Thai phụ cần tiêm một mũi vaccine uốn ván vào mỗi thai kỳ. Các trường hợp khác sẽ được chỉ định tiêm chủng dựa vào lịch sử chủng ngừa trước đó.
Khi đã tiêm dự phòng uốn ván đầy đủ và còn trong thời gian bảo vệ, nếu có các vết thương lớn, mọi người chỉ cần tiêm thêm một liều vaccine, không cần dùng Globulin miễn dịch uốn ván (TIG) hoặc huyết thanh kháng uốn ván (SAT).
Bác sĩ Khương lưu ý vi khuẩn uốn ván phát triển trong môi trường yếm khí. Do đó, người dân không băng kín vết thương hoặc đắp các loại lá, thuốc không rõ nguồn gốc tạo điều kiện cho uốn ván sinh sôi.
Cách vệ sinh đúng gồm: rửa vết thương dưới vòi nước sạch, loại bỏ tất cả chất bẩn, dị vật bám lên vết thương sau đó rửa lại với xà phòng. Vệ sinh đúng cách có thể làm chậm quá trình sinh sôi của uốn ván trong 4 giờ.
Khi bị thương, thời gian tiêm chủng tốt nhất trong vòng 24 tiếng. Tiêm càng muộn, khả năng bảo vệ của vaccine càng thấp. Người dân khi làm việc tiếp xúc với đất, bùn cũng cần trang bị bảo hộ đầy đủ như giày, găng tay... để hạn chế vết thương chảy máu hoặc vết xước nhỏ dễ bị bỏ qua nếu không chú ý kỹ.
Nhật Linh
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây.