Trả lời:
Nếu tiền sử tiêm chủng không rõ ràng, kết hợp tình trạng vết thương nêu trên, cháu nên được tiêm vaccine và huyết thanh kháng uốn ván ngay. Lý do, mọi vết thương hở, trầy xước hoặc rách da như bỏng bô xe, té xe, dẫm đinh, gai đâm... đều tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể. Từng có trường hợp mắc uốn ván chỉ từ vết trầy xước nhẹ.
Ngoài ra, việc xử lý vết thương đúng cách chỉ làm chậm quá trình và giảm lượng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, không có tác dụng ngăn chặn mầm bệnh hoàn toàn. Chậm trễ tiêm chủng sẽ giảm khả năng phòng bệnh.
Phác đồ tiêm chủng phụ thuộc vào độ tuổi, lịch sử chủng ngừa trước đó. Nếu chưa từng tiêm vaccine có thành phần uốn ván, trẻ sẽ được chỉ định ba mũi. Mũi một tại thời điểm trẻ tiêm lần đầu tiên, mũi hai cách mũi một 1 tháng, mũi ba cách mũi hai 6 tháng, nhắc lại mỗi 10 năm. Hiệu quả phòng bệnh của vaccine lên đến 95% nếu tiêm đủ liều, đúng lịch.
Trong trường hợp dẫm đinh gai, vết thương sâu và chảy máu, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định tiêm thêm huyết thanh uốn ván, bên cạnh chủng ngừa vaccine theo lịch. Nếu đã tiêm dự phòng uốn ván đầy đủ theo tuổi, trẻ chỉ cần nhắc lại một liều vaccine khi có vết thương lớn, bẩn, không cần tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván.
Hiện Việt Nam có vaccine uốn ván đơn hoặc phối hợp ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC