Trả lời:
Những trường hợp chống chỉ định tiêm vaccine sởi như sau:
- Người suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc suy giảm miễn dịch, như mắc các bệnh HIV/AIDS, uống thuốc ức chế hệ miễn dịch, bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị, dùng thuốc kháng thể đơn dòng,...
- Người mắc chứng rối loạn tế bào máu, người có tình trạng ung thư ảnh hưởng đến xương tủy hoặc hệ bạch huyết.
- Người mắc bệnh lao đang được điều trị.
- Người dị ứng hoặc có phản ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) với các thành phần trong vaccine sởi.
- Người đang bị nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp.
- Phụ nữ đang mang thai.
Tại VNVC, tất cả trẻ em và người lớn trước tiêm sẽ được bác sĩ khám sàng lọc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để biết trường hợp đó đủ điều kiện tiêm chủng hay không. Nếu mắc bệnh cấp tính, dị ứng với các thành phần có trong vaccine, chẩn đoán phản vệ độ 2, người dân sẽ được đưa tới bệnh viện để tiêm. Các trường hợp còn lại vẫn tiến hành tiêm tại VNVC.
Người không tiêm được vaccine, cần áp dụng các biện pháp phòng sởi như vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ môi trường thông thoáng, không tiếp xúc với người bệnh. Khi đến nơi đông người, nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách...
Tiêm chủng là cách hiệu quả nhất trong phòng ngừa và giảm các biến chứng nặng do sởi ở trẻ em, người lớn. Hiệu quả vaccine lên đến 98% khi tiêm từ hai mũi.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine sởi, gồm mũi đơn, mũi kết hợp phòng thêm rubella và mũi giúp phòng thêm rubella - quai bị. Các vaccine chỉ định cho người từ 9 tháng tuổi trở lên, có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.