Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên trong bối cảnh TP HCM ghi nhận số ca sốt phát ban nghi sởi tăng cao, tỷ lệ chủng ngừa sởi chưa đạt 95% để tạo miễn dịch cộng đồng. Bác sĩ giải thích sởi có khả năng lây lan nhanh, mạnh và có thể dẫn đến các biến chứng nặng. Có ba nhóm cần chú ý tiêm phòng để tránh biến chứng và ảnh hưởng của bệnh sởi.
Trẻ từ 9 tháng tuổi
Trẻ nhỏ chưa tiêm ngừa và có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, bệnh thận... dễ gặp biến chứng khi mắc sởi. Những biến chứng thường gặp như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy. Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ mắc sởi. Biến chứng ít gặp hơn như viêm não có tỷ lệ tử vong từ 10-40%.
Trẻ mắc sởi cũng có nguy cơ cao gặp hai biến chứng lâu dài là suy dinh dưỡng và viêm não bán cấp. Suy dinh dưỡng khiến trẻ còi cọc, chậm lớn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển sau này. Trong khi viêm não bán cấp gây rối loạn hành vi, tâm thần, không có phương pháp điều trị cụ thể.
Tại Việt Nam, có ba loại vaccine phòng sởi gồm mũi đơn, mũi phối hợp phòng sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella. Vaccine có mặt trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ.
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ tiêm vaccine ngừa sởi khi 9 tháng tuổi và nhắc lại một mũi sởi - rubella lúc 18 tháng tuổi. Ở tiêm chủng dịch vụ, trẻ có thể tiêm mũi sởi đơn vào lúc 9 tháng, sau đó tiêm hai mũi phối hợp sởi - quai bị - rubella vào lúc 12 tháng tuổi và khi được 4-6 tuổi.
Khi tình hình bệnh sởi diễn tiến phức tạp, bác sĩ có thể khuyến cáo tiêm 2 mũi vaccine phối hợp sởi - quai bị - rubella cách nhau 1 tháng. Tiêm từ hai mũi vaccine có hiệu quả bảo vệ lên đến 98%, miễn dịch bền vững.
Đối với nhóm dưới 9 tháng tuổi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo chỉ tiêm chủng khi có chỉ đạo và trong trường hợp cần thiết. Hiện theo thông tin kê toa từ nhà sản xuất, vaccine sởi đơn MVVac (Việt Nam) và vaccine phối hợp sởi - quai bị - rubella MMR II (Mỹ) có thể tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Khi 9 hoặc 12 tháng tuổi, trẻ vẫn cần hoàn thành lịch tiêm cơ bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Người chưa tiêm ngừa
Bác sĩ Phong cho biết người chưa có miễn dịch với sởi cần bổ sung sớm vaccine. Lý do, bệnh sởi rất dễ mắc, có khả năng lây lan mạnh cho cộng đồng.
Người chưa tiêm chủng có nguy cơ nhiễm bệnh từ 90-100% nếu tiếp xúc virus sởi. Bên cạnh đó, người lớn mắc sởi, triệu chứng bệnh có thể không đặc trưng như ở trẻ nhỏ, dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi hay sốt phát ban thông thường. Bệnh nhân mắc sởi không nhận biết sớm, vẫn đi học, đi làm và trở thành nguồn lây cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ.
Người trưởng thành chưa có miễn dịch với sởi, không rõ lịch sử chủng ngừa, cần hai mũi vaccine phối hợp sởi - quai bị - rubella cách nhau một tháng. Vaccine hiệu quả ngăn bệnh lên đến 98% sau khi hoàn thành phác đồ.
Phụ nữ chuẩn bị mang thai
Hệ miễn dịch của thai phụ suy giảm tự nhiên để bảo vệ thai nhi, do đó có nguy cơ cao mắc sởi. Biến chứng do sởi gây ra trên thai phụ gồm sảy thai, sinh non, thai chết lưu.
Tuy nhiên, vaccine sởi không chỉ định cho phụ nữ đang trong thai kỳ. Do đó, nữ giới có kế hoạch mang thai cần chủng ngừa trước mang thai ba tháng.
Bác sĩ Phong lưu ý với tất cả trường hợp chủng ngừa, cần tiêm đủ phác đồ theo chỉ định của bác sĩ để vaccine phát huy hiệu quả cao nhất. Ngoài ra tùy vào tình hình dịch bệnh, người dân cũng cần tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan y tế về các mũi nhắc nếu có.
Bên cạnh tiêm vaccine, bác sĩ Phong khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp khác như: giữ vệ sinh nhà cửa, giữ vệ sinh cá nhân, súc họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khi đến nơi đông người cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Nhật Linh
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.