BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa Vùng 1 - miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVCcho biết như trên trong bối cảnh nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM ghi nhận số ca sốt xuất huyết tăng lên. Theo bác sĩ, môi trường ẩm ướt khi vào mùa mưa hoặc sau khi bão, lũ là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh dễ bùng phát. Trong đó, bốn nhóm đối tượng sau đây dễ trở nặng:
Phụ nữ mang thai
Những tháng đầu thai kỳ, thai phụ mắc sốt xuất huyết có thể tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu. Ở những tháng cuối, bệnh có thể gây tử vong cho thai nhi, khiến trẻ sinh nhẹ cân hoặc sinh non. Tình trạng hạ tiểu cầu đe dọa tính mạng của mẹ và bé, tăng nguy cơ tiền sản giật, chảy máu khó cầm, rau bong non. Em bé chào đời từ người mẹ có tiểu cầu hạ có thể hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, kéo dài vài tuần sau sinh.
Dựa trên 36 nghiên cứu với 39.600 thai phụ mắc sốt xuất huyết được công bố trên Wiley Online Library năm 2022, người đối mặt với nguy cơ sốc sốt xuất huyết, nguy cơ tử vong ở mẹ tăng gấp 3-4,14 lần, thai chết lưu tăng 2,71 lần và tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tăng khoảng 3 lần.
Người béo phì
Người bị béo phì có hệ miễn dịch yếu, thường kèm theo bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường... Khi mắc sốt xuất huyết, họ dễ bị bội nhiễm và tiến triển nặng hơn, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận.
Việc điều trị cho người béo phì gặp khó khi thực hiện các kỹ thuật cấp cứu, hồi sức khác, điều chỉnh lượng dịch truyền phù hợp với thể trạng. Bệnh nền và sốt xuất huyết có thể trở thành một vòng xoắn bệnh lý khiến thời gian điều trị bệnh nhân béo phì lâu và phức tạp hơn người bình thường.
Trẻ sơ sinh
Nhóm trẻ sơ sinh cũng dễ trở nặng. Lý do, đặc điểm sinh học của trẻ sơ sinh là tỷ lệ dịch chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể, hệ tim mạch và chức năng thận đang phát triển nên chưa thích nghi với các rối loạn. Khi trẻ mắc bệnh sẽ có nhiều biến chứng: co giật, bại não, tổn thương tim, hội chứng sốc sốt xuất huyết, trường hợp không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Người cao tuổi
Tương tự nhóm béo phì, người cao tuổi có bệnh nền như: tiểu đường, tim mạch, hen suyễn... khiến hệ miễn dịch suy yếu, tăng tỷ lệ biến chứng nặng khi mắc sốt xuất huyết.
Theo bác sĩ Nga, ở người cao tuổi, triệu chứng sốt xuất huyết thường không rõ ràng như ở người trẻ. Ban đầu, người bệnh chỉ cảm thấy chán ăn, mệt mỏi, đau nhức cơ. Những dấu hiệu mờ nhạt này dễ khiến bệnh nhân chủ quan, dẫn đến chậm trễ trong việc tiếp cận điều trị.
Việc điều trị cho người cao tuổi có bệnh nền cũng phức tạp hơn. Ví dụ, với người suy thận mạn, truyền dịch sai thời điểm có thể gây ứ nước, phù phổi do thận không thể đào thải nước. Tương tự, ở những người mắc bệnh tim mạch, truyền dịch không đúng cách có thể làm tăng áp lực cho tim.
Sốt xuất huyết do siêu vi Dengue gây ra với 4 chủng Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Đa phần các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, mệt mỏi, nôn ói nhiều. Trong đó, các ca tử vong thường do tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết nội tạng.
Bác sĩ Nga cho biết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Mọi người có thể tiêm vaccine sốt xuất huyết. Từ ngày 20/9, vaccine Qdenga (Nhật Bản) được triển khai tại Việt Nam. Hiệu quả ngừa bệnh lên đến hơn 80%, ngăn ngừa nguy cơ nhập viện đến 90%. Lịch tiêm gồm hai mũi, cách nhau ba tháng. Vaccine được chỉ định cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn, không chủng ngừa cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Xuân Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.