Ngày cuối tuần, tôi đến thăm một người bạn thân sống ở khu chung cư thuộc phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cả hai chuyện trò nhiều chủ đề nhưng cô bạn tôi có than phiền rằng "dạo này gần dịp Tết nên khu chung cư có nhiều rác quá, làm nhân viên dọn vệ sinh quá vất vả mà thu nhập lại thấp, thương họ quá mà không biết phải làm thế nào?".
Tôi thấy bạn mình nói rất đúng và nhận thấy rằng không phải chỉ có nhân viên dọn vệ sinh ở các khu chung cư vất vả như thế. Trong nhịp sống hối hả của phố thị, luôn tồn tại một lực lượng rất quan trọng, không thể thiếu, nhưng hầu như ít được mọi người biết đến hoặc nhắc đến - họ là những nhân viên dọn vệ sinh. Bởi vốn dĩ công việc của họ là sự cống hiến thầm lặng, đến mức đó như là điều tất yếu của đời sống xã hội.
Không là thái quá nếu nói những nhân viên dọn vệ sinh đang mang trên mình một sứ mệnh đặc biệt đối với xã hội. Vì không có họ thì không thể có một đời sống xã hội sạch đẹp chứ chưa nói đến phát triển bền vững.
Cứ mỗi dịp Tết, nhìn cảnh những nhân viên vệ sinh môi trường đô thị cắm đầu cắm cổ dọn hàng núi rác, mím môi mím lợi gò lưng đẩy những xe rác cao khuất cả tầm mắt, tôi cứ thấy bùi ngùi, xót xa. Không chỉ lượng rác tăng nhiều mà khổ nhất là rác "không ngớt" được thải ra mọi lúc, mọi nơi, kể cả những khu vực vừa thu gom xong. Đây là tình trạng diễn ra thường xuyên ở Hà Nội vào những ngày giáp Tết, sau mỗi đêm giao thừa, sau mỗi lần tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội mừng xuân mới.
Để rồi khi ánh đèn đã tắt, hàng trăm nhân viên môi trường lại phải tất bật suốt nhiều giờ mới có thể dọn hết rác người dân bỏ lại. Nhiều người chúng ta đi ngang qua chiếc xe chuyên dụng thu gom rác, chỉ một vài giây đồng hồ thôi nhưng cũng tỏ vẻ khó chịu và bịt mũi. Còn đối với những nhân viên vệ sinh, đó là nghề nghiệp, là cuộc sống của họ cùng gia đình. Và giống như những nghề nghiệp khác, công việc của họ vẫn phải được thực hiện hàng ngày. Không chỉ mùi hôi, họ còn phải đối mặt với rất nhiều mối hiểm nguy từ những thứ rác thải ấy gây ra.
Bạn tôi đã sống ở chung cư nhiều năm, cô kể rằng dù đã có quy định cụ thể trong các bản nội quy, quy tắc ứng xử của khu chung cư, song thực tế rác thải vẫn được bạ đâu xả đấy. Thỉnh thoảng bạn lại chứng kiến "rác bay" từ trên tầng cao xuống dưới. Các hộ ở tầng trệt lại đau đầu khi người dân vứt rác đủ loại chất đống trước nhà khiến quang cảnh thêm nhếch nhác. Mỗi lần họp hành tổ dân phố đều được đem ra bàn bạc, không ít lần người dân đóng góp tiền thuê người dọn rác sạch sẽ, nhưng chỉ được ít hôm là giếng trời lại tiếp tục đầy rác, hành lang vẫn bẩn thỉu như cũ.
>> Tôi sốc vì cả trăm túi nilon, đồ nhựa gia đình mình thải ra một tháng
Thông thường, từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết là khoảng thời gian lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng 20-50% so với ngày thường. Để môi trường trong những ngày Tết sạch đẹp, đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường được giao thu gom rác thải phải làm việc hết công suất. Để đáp ứng được yêu cầu đề ra là không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác trong những ngày trước, trong và sau Tết, nhân viên vệ sinh môi trường phải làm cả ngày, cả đêm.
Tôi thấy nghề dọn vệ sinh môi trường vốn đã khổ, nhưng khổ nhất là dịp Tết. Các cửa hàng, gia đình dọn nhà và thải rác ra. Nhiều người còn vứt ra những tấm đệm cũ, bàn ghế hư hỏng, cành cây lớn... phải dùng dao, kéo để chẻ nhỏ, cắt ra mới mang đi được. Nếu như mọi người được ở nhà đón giao thừa sum họp cùng gia đình thì những nhân viên vệ sinh hiếm khi được ở nhà. Họ thường phải đón giao thừa trên đường, vẫn lụi cụi thu gom rác trên phố.
Tôi hỏi chuyện một nhân viên dọn vệ sinh, chị kể rằng: "Ngày thường, sau giờ quy định đem rác ra, chị chỉ thu gom một vòng rồi đưa đến điểm tập kết. Nhưng ngày Tết, thu gom một vòng, quay lại đã thấy rác mới xuất hiện, chị lại phải thu gom. Bởi ngày Tết, công ty yêu cầu không được để rác tồn đọng, ùn ứ trên các tuyến đường. Đêm giao thừa có năm phải làm đến 4-5 giờ sáng mới được về. Chị thường xuyên đón giao thừa với rác trên đường phố, chỉ được nghỉ ngày mùng Một, chứ sang mùng Hai đã phải bắt đầu công việc quen thuộc của mình".
Tôi thương chị nên thường xuyên gom hết trong nhà những bộ quần áo không mặc nữa, nhưng chai lọ đã dùng hết, giấy hai mặt, sách vở còn thừa của con, cho hết vào túi sạch đưa cho chị để dùng hoặc bán đồng nát kiếm thêm ít tiền. Mỗi khi đổ rác, tôi luôn có thói quen phân loại rác thành hai túi khác nhau. Những lon bia, lon nước ngọt, chai nước nhựa... có thể bán được, tôi luôn để riêng vào một túi để chị không phải mất công bới đống rác ra tìm.
Nếu trước Tết, nhân viên vệ sinh thu gom rác vất vả bao nhiêu thì sau Tết cũng chẳng nhàn hơn chút nào. Đặc biệt là sau mùng Năm, họ lại phải khổ với rác hoa. Nhiều nhà mang cả hoa héo lẫn chậu quăng ra bãi rác, hoa nặng một thì chậu và đất nặng gấp ba, bốn. Những lúc như thế, nhân viên vệ sinh phải cất công dỡ hoa ra khỏi chậu mới chở đi được, việc này khiến họ mất sức hơn, tăng chuyến nhiều hơn do lượng rác tăng cao.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng đối với nhân viên vệ sinh môi trường, niềm vui là thấy đường phố sạch đẹp, người dân được hưởng không khí trong lành, tạo cho Hà Nội vẻ mỹ quan đô thị. Thế nhưng, để có được điều này, phải cần đến sự chung tay của mỗi người dân và cả cộng đồng. Thay đổi để nâng cao được ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị trong dịp Tết chắc chắn không phải là chuyện một sớm một chiều nhưng tôi nghĩ, ngay từ Tết năm nay, chúng ta hoàn toàn có thể làm ngay được một số việc cụ thể để giảm bớt gánh nặng cho các công nhân, nhân viên vệ sinh môi trường.
Làm được thế, tiếng reo vui "Tết, Tết, Tết đến rồi" mới thực sự là khúc hoan ca đối với một trong những nghề vất vả nhất - những người thu dọn rác quanh ta.
- Tôi nhiều năm 'cạch mặt' đồ nhựa
- Tôi từ chối mua khi cửa hàng tiện lợi quay nóng đồ ăn còn nguyên túi nilon
- Tôi phát điên vì hàng xóm lén vứt rác trước cửa nhà mình
- Lãng phí công sức phân loại rác tại nhà
- 'Vứt rác đấy khắc sẽ có người dọn'
- 'Nhân viên thu gom đánh sập quyết tâm phân loại rác của gia đình tôi'