Video đăng trên trang livestream San Diego Webcam hôm 15/12 cho thấy tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Connecticut của Mỹ rời cảng San Diego để lên đường về cảng nhà tại Bremerton, bang Washington, sửa chữa sau sự cố đâm núi ngầm tại Biển Đông.
Video cho thấy tàu ngầm Mỹ di chuyển rất khó khăn, luôn trong tình trạng trồi sụt dù mới xuất phát ở vùng nước gần bờ và điều kiện thời tiết tốt. Phần mũi tàu trơ trọi vì không có mũi thép che tạm sau sự cố, làm lộ rõ khoang chứa hệ thống định vị thủy âm (sonar).
Trước đó, tàu ngầm USS Connecticut đã phải di chuyển từ đảo Guam, vượt quãng đường gần 10.000 km trong vài tuần để tới cảng San Diego vào ngày 12/12.
"Tôi nghĩ hành trình từ đảo Guam về San Diego và tới Bremerton khiến thủy thủ đoàn hết sức mệt mỏi và khổ sở. Đó là hành trình ác mộng với những người bị say sóng", Aaron Amick, cựu quân nhân với 20 năm kinh nghiệm trong lực lượng tàu ngầm Mỹ, nhận xét.
Tàu ngầm USS Connecticut vỡ nát mũi sau khi va chạm với núi ngầm không có trên hải đồ khi làm nhiệm vụ ở Biển Đông hồi đầu tháng 10. Nó phải lết về đảo Guam kiểm tra, nhưng không được lắp mũi thép để bảo đảm độ kín nước và độ nổi do hòn đảo không còn cơ sở hạ tầng và nhân lực đủ sức thực hiện công tác sửa chữa phức tạp như vậy.
Điều này khiến tàu ngầm Mỹ phải di chuyển trong trạng thái nổi với tốc độ gần 20 km/h trên toàn bộ hành trình từ Biển Đông về Guam, sau đó tới San Diego và Bremerton.
"Tàu ngầm ở trạng thái nổi sẽ liên tục lắc lư về hai phía ngay cả trong những vùng biển yên ả nhất. Nó sẽ gây tình trạng say sóng cho những người có tiền đình kém. Nếu độ nghiêng đủ lớn, thủy thủ đoàn sẽ gặp nhiều khó khăn trong di chuyển và nghỉ ngơi. Tôi từng phải ngoắc cánh tay vào giá treo khăn trên giường tầng để khỏi ngã xuống sàn tàu khi biển động", Amick nói.
Thiếu ngủ và say sóng sẽ khiến thủy thủ nhanh chóng mất sức trong những ngày đầu hành trình, không có lợi cho quá trình trực ban trên tàu ngầm. Nhiều khả năng các ca trực được rút ngắn và giảm nhân lực vận hành để bảo đảm sức khỏe cho thủy thủ đoàn.
"Họ không cần sĩ quan giám sát lặn, kíp sonar và các đài điều khiển cũng có thể rút gọn. Sonar gần như không có tác dụng khi nổi và cụm sonar của USS Connecticut cũng vô dụng sau cú đâm. Radar sẽ là cảm biến chính để quan sát xung quanh. Có khả năng một phần thủy thủ đoàn đã về Mỹ bằng máy bay và trên tàu chỉ còn nhân lực tối thiểu để vận hành", cựu lính tàu ngầm Mỹ nhận xét.
Những chuyến di chuyển ở trạng thái nổi vốn rất khó khăn với tàu ngầm nguyên vẹn, tình trạng rung lắc sẽ càng tệ hơn với chiến hạm mất mũi và liên tục trồi sụt trong sóng. Thủy thủ đoàn phải liên tục mở cửa thông gió trên tháp chỉ huy để bảo đảm lưu thông không khí trong tàu. Điều này có thể khiến nước mưa lọt vào trong tàu, đỏi hỏi kíp vận hành theo dõi thường xuyên để ngăn nước tích tụ.
"Kíp tàu sẽ phải chuẩn bị sẵn những loại thức ăn dễ chế biến, thậm chí là đồ hộp và suất ăn đóng gói để phòng trường hợp không thể nấu nướng do biển động mạnh. Đầu bếp sẽ phục vụ thịt nguội cắt lát, bánh mì và pho mát nếu không thể làm đồ ăn nóng sốt", Amick cho biết.
Quá trình di chuyển trên mặt biển cũng đặt ra nhiều nguy hiểm với tàu ngầm, trong đó mối đe dọa lớn nhất là nguy cơ va chạm với phương tiện khác. Tàu ngầm có tốc độ và khả năng cơ động trên mặt biển thua kém rất nhiều so với tàu mặt nước, buộc kíp vận hành phải tính trước mọi kịch bản và lên kế hoạch cơ động để tránh tàu bè ở gần.
"Bảo đảm an toàn cho kíp cảnh giới trên tháp chỉ huy cũng là vấn đề. Những người đứng trên nóc tháp chỉ huy có thể ngã xuống, trong khi thời tiết khắc nghiệt dễ dẫn tới sốc nhiệt hoặc bỏng lạnh. Kíp trực tháp chỉ huy mệt mỏi và ốm đau sẽ dẫn tới thảm họa", Amick nói.
Hải quân Mỹ chưa công bố chi tiết cuộc điều tra sự cố, nhưng tư lệnh Lực lượng Tàu ngầm Mỹ William Houston hôm 17/11 ám chỉ giới chức đã nắm được nguyên nhân va chạm và đang tìm cách phổ biến bài học cho toàn bộ lực lượng tàu ngầm Mỹ.
Vụ va chạm có thể gây thiệt hại kinh tế rất lớn và ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của hải quân Mỹ, do USS Connecticut là một trong ba chiếc thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới với chi phí ước tính tới 8,5 tỷ USD/chiếc.
Vũ Anh (Theo Drive)