Cách đây 16 năm, ngày 8/1/2005, tàu ngầm hạt nhân USS San Francisco của hải quân Mỹ đâm phải một ngọn núi ngầm dưới lòng biển ở khu vực cách đảo Guam 675 km về phía đông nam.
Bị vỡ nát phần mũi sau cú va chạm cực mạnh, chiếc tàu ngầm lết về Guam, cập cảng Apra và được đưa lên xưởng cạn tại đây. Các công nhân ở xưởng cạn đã nhanh chóng đưa ra phương án sửa chữa tạm thời, lắp mũi thép cho tàu nhằm bảo đảm độ kín nước và độ nổi, giúp USS San Francisco tiếp tục thực hiện hành trình hơn 10.000 km từ Guam về nhà máy Puget Sound, bang Washington để sửa chữa toàn diện.
Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut tuần trước cũng trong tình cảnh tương tự, khi phải di chuyển về Guam sau vụ va chạm với vật thể lạ ở Biển Đông hôm 2/10. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và sửa chữa chiến hạm 8,5 tỷ USD này tại Guam khác rất nhiều so với vụ USS San Francisco.
Giờ đây, điều duy nhất Guam có thể mang lại cho USS Connecticut là đảm bảo sự bí mật trước bất cứ con mắt soi mói nào từ bên ngoài. Xưởng cạn từng tiếp nhận USS San Francisco đã biến mất, trong khi số ít công nhân tại Guam chỉ đủ khả năng bảo dưỡng tàu ở mức cơ bản nhất, khó lòng tiến hành các hoạt động sửa chữa quy mô lớn và phức tạp. USS Emory S. Land, một trong hai tàu bảo dưỡng tàu ngầm cuối cùng của hải quân Mỹ, sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa chính cho USS Connecticut.
"Hải quân Mỹ có thể gặp nhiều khó khăn trong sửa chữa USS Connecticut nếu nó bị hư hại nặng, cản trở khả năng di chuyển an toàn của chiến hạm đến Hawaii hoặc nhà máy Puget Sound. Sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng sửa chữa tàu hải quân ở trung tâm Thái Bình Dương là vấn đề rất nghiêm trọng với lực lượng này", nhà phân tích quân sự Craig Hooper cho hay.
Nhiều chuyên gia cho rằng hải quân Mỹ cần tái đầu tư vào năng lực sửa chữa tiền phương tại Guam nhằm bảo đảm năng lực hoạt động cho tàu mặt nước và tàu ngầm ở Thái Bình Dương, trước khi có thể mở rộng hiện diện và cải thiện năng lực sẵn sàng chiến đấu trong khu vực.
"Vài trăm triệu USD cho một xưởng cạn di động, xà lan neo đậu và chuyên viên sửa chữa tàu sẽ mang lại giá trị trong tương lai, trừ khi hải quân Mỹ chấp nhận việc các chiến hạm tỷ đô phải nằm lại cảng Apra ở Guam mà không có cách nào để về nhà an toàn", Hooper nói.
Tình cảnh này đã diễn ra từ lâu, bắt đầu khi Lầu Năm Góc đóng cửa Cơ sở Sửa chữa Tàu hải quân ở Guam vào năm 1995. Chỉ hai năm sau, căn cứ hải quân cũng như Trung tâm Hậu cần Công nghiệp và Hạm đội ở Guam cũng ngừng hoạt động. "Thật trớ trêu khi cơ sở hạ tầng mà USS Connecticut rất cần hiện nay đã đóng cửa cùng thời điểm chiến hạm này được hạ thủy", Hooper nói.
Cơ sở hạ tầng hải quân Mỹ tại Guam hiện không thể theo kịp với chiến lược của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hàng loạt tàu hải quân đang được điều động tới khu vực. Quần đảo Marianas hiện là nơi đặt một căn cứ hải quân viễn chinh, hai tàu bảo dưỡng tàu ngầm, 4 tàu ngầm hạt nhân và hơn 10 tàu thuộc Bộ tư lệnh Vận tải Hàng hải (MSC).
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng bảo dưỡng trên bờ ở Guam ngày càng xuống cấp, nhất là trong bối cảnh MSC chuyển phần lớn công việc cho những nhà máy ở nước ngoài có chi phí thấp hơn.
Hai ụ nổi ở Guam đã biến mất, trong đó chiếc Richland ra đời từ Thế chiến II đã được bán cho một công ty hàng hải Philippines hồi năm 2016. Ụ nổi còn lại là Machinist được bàn giao cho Mỹ vào năm 1980, bị hư hại sau một cơn bão vào năm 2011, được chuyển đến Trung Quốc đại tu năm 2016 và vẫn đang nằm ở nước này.
Các chuyên gia cho rằng sự cố USS Connecticut có thể là hồi chuông cảnh tỉnh với Mỹ, cho thấy điểm yếu nguy hiểm về cơ sở hạ tầng ở Thái Bình Dương.
"Hải quân Mỹ sẽ phải cung cấp ngân sách và nguồn lực cho Guam để nó tiếp tục là bến đỗ an toàn cho tàu chiến gặp nạn, từ chiếc USS San Francisco bị nát mũi cho đến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 hồi năm ngoái, giờ là USS Connecticut. Quá trình thay đổi sẽ rất tốn kém, nhưng Mỹ không thể để mặc chiến hạm chủ lực mắc kẹt ở những hòn đảo xa xôi và không thể trở về nhà an toàn", Hooper nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Forbes)