Kể từ khi lần đầu thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, Mỹ và Campuchia đã chứng kiến nhiều xáo trộn, bất ổn và thăng trầm, từng bị cắt đứt rồi lại khôi phục quan hệ lần lượt vào các năm 1965 và 1969, do xung đột vũ trang và những biến động chính trị tại Campuchia.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ Mỹ - Campuchia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ những khác biệt lớn về chính sách đối ngoại. Hoạt động ném bom của Mỹ trên lãnh thổ Campuchia trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, cùng tranh cãi về khoản tiền Mỹ cho Campuchia vay vào đầu những năm 1970, khiến quan hệ song phương vốn căng thẳng càng thêm trầm trọng.
Năm 1993, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện sau khi chính phủ Hoàng gia Campuchia được thành lập từ cuộc tổng tuyển cử tự do. Đây cũng là mốc đánh dấu sự khởi đầu quá trình cải thiện quan hệ hai nước. Quốc hội Mỹ dỡ lệnh cấm hỗ trợ trực tiếp cho chính phủ Campuchia, mở đường cho nguồn viện trợ dành cho quốc gia Đông Nam Á.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), nước này đã cung cấp khoảng 235 triệu USD hỗ trợ hoạt động quản trị tại Campuchia từ năm 1993 đến 2018. Trong năm tài khóa 2018, ước tính khoản viện trợ nước ngoài Mỹ dành cho Campuchia khoảng 79,3 triệu USD.
Các khoản viện trợ và ưu tiên của Mỹ tại Campuchia phần lớn tập trung vào củng cố các thể chế dân chủ, tăng cường đầu tư và thương mại song phương, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo và cải thiện y tế cộng đồng. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ rà phá bom mìn và các hoạt động liên quan tại Campuchia, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các vật liệu nổ sau chiến tranh.
Mỹ được cho là còn muốn tìm cách hợp tác quân sự với Campuchia, thông qua những chuyến thăm cảng của hải quân Mỹ, hỗ trợ và huấn luyện quân sự cho lực lượng Campuchia, cũng như các cuộc diễn tập chung.
Năm 2012, Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Campuchia, đánh dấu thời kỳ nồng ấm nhất trong quan hệ song phương. Theo một cuộc thăm dò của Gallup năm 2011, 68% người Campuchia khi đó tán thành hiệu quả công việc của Mỹ dưới thời Obama, mức cao nhất trong số các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương được khảo sát.
Cuối năm 2019, Patrick Murphy được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Campuchia và nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương. Murphy, một nhà ngoại giao kỳ cựu, đã tích cực gặp gỡ các thành viên nội các Campuchia, cùng các tổ chức phi chính phủ và giới học giả, nhằm khuyến khích thảo luận cởi mở và thẳng thắn về những nỗ lực tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Để củng cố động lực mới này, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Sáng kiến Hạ nguồn Mekong do Mỹ dẫn dắt, đồng thời cho biết Phnom Penh "mong muốn" hợp tác với đại sứ Mỹ.
Cựu chính trị gia Pou Sothirak, giám đốc Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, cho rằng đối với cả Phnom Penh và Washington, quyết định bổ nhiệm Murphy dường như tượng trưng cho cơ hội cải thiện quan hệ sau khoảng thời gian dần lạnh nhạt trước đó, khi Mỹ lo ngại sâu sắc về quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng gắn bó giữa Campuchia và Trung Quốc.
"Sự hỗ trợ dường như vô điều kiện của Trung Quốc với Campuchia khiến Mỹ lo ngại nguy cơ Phnom Penh sẵn sàng đồng ý, thậm chí tích cực ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh trong những vấn đề chủ chốt tại khu vực. Mỹ cũng lo lắng trước thông tin về khả năng Campuchia cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự tại nước này, dù Phnom Penh phủ nhận", Sothirak cho hay.
Ngoài quyết định bổ nhiệm đại sứ Murphy, một dấu hiệu tích cực đáng chú ý khác diễn ra tại hội nghị Mỹ - ASEAN hồi tháng 8/2019, khi Mike Pompeo, ngoại trưởng Mỹ khi đó, ca ngợi Campuchia vì đã "bảo vệ chủ quyền của mình", trong khi Thủ tướng Hun Sen cảm ơn Mỹ vì đã hỗ trợ Campuchia 2 triệu USD chống lại đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, những kỳ vọng về quan hệ Mỹ - Campuchia sau đó dường như không thành hiện thực, với hàng loạt diễn biến căng thẳng hơn một năm qua.
Tháng 9/2020, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố trừng phạt tập đoàn phát triển bất động sản Union Development Group (UDG), một công ty thuộc nhà nước Trung Quốc, vì các hoạt động liên quan tới dự án xây dựng ở tỉnh Koh Kong, Campuchia.
Washington cho rằng dự án được triển khai trên một khu vực bờ biển có diện tích 36.000 hecta này "có thể được sử dụng để tiếp nhận các tài sản quân sự (Trung Quốc)", "đe dọa ổn định của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gây ảnh hưởng tới chủ quyền Campuchia và an ninh của các đồng minh Mỹ". Campuchia sau đó bác bỏ các cáo buộc, đồng thời bày tỏ thất vọng về động thái của Mỹ.
Tháng 10/2020, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố ảnh vệ tinh cho thấy sở chỉ huy chiến thuật của Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia Campuchia, công trình được Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream, bị san phẳng. Mỹ bày tỏ thất vọng và lo ngại động thái này "gắn liền với kế hoạch để khí tài và nhân viên quân sự Trung Quốc hiện diện tại căn cứ Ream".
Trong khi đó, Campuchia giải thích quyết định phá dỡ là bởi công trình đã cũ. Giới chức nước này cũng nhiều lần bác bỏ thông tin rằng Trung Quốc đã đạt thỏa thuận bí mật với Campuchia để bố trí lực lượng tại căn cứ Ream. Campuchia khẳng định cho phép lực lượng nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ là trái với hiến pháp.
Hôm 1/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman dẫn đầu một phái đoàn đến Campuchia gặp Thủ tướng Hun Sen để thảo luận các vấn đề hợp tác song phương, chuyến thăm được kỳ vọng thổi làn gió mới vào quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, tại Campuchia, bà Sherman đã "bày tỏ quan ngại nghiêm trọng" về vai trò của Bắc Kinh tại căn cứ Ream, cơ sở nằm ở phía đông nam thành phố cảng Sihanoukville. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Campuchia kêu gọi Mỹ "ngừng tạo ra các tình huống mới gây tiêu cực, yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền và bí mật quân sự của Campuchia".
Đến tháng 10, đại sứ quán Mỹ tại Campuchia tiếp tục cáo buộc nước này thiếu minh bạch về hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ Ream, sau khi ảnh vệ tinh cho thấy các cấu trúc mới xuất hiện. Ngày 10/11, Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt hai tướng quân đội Campuchia, với cáo buộc "trục lợi" bằng cách tăng chi phí dự án xây dựng tại căn cứ Ream, động thái bị Campuchia chỉ trích "mang động cơ chính trị".
Căng thẳng gần đây nhất trong quan hệ Mỹ - Campuchia xảy ra vào ngày 8/12, khi Bộ Ngoại giao Mỹ thêm Campuchia vào danh sách cấm xuất khẩu vũ khí, vì "tiếp tục cho phép Trung Quốc mở rộng hiện diện quân sự và xây dựng các cơ sở riêng trên vịnh Thái Lan". Bộ Thương mại Mỹ cũng ban hành hạn chế xuất khẩu mới đối với Campuchia.
Đáp lại, Thủ tướng Hun Sen yêu cầu quân đội Campuchia tiêu hủy hoặc niêm cất vũ khí Mỹ, cho rằng nhiều bên dùng chúng đều thua. "Tôi ra lệnh cho tất cả đơn vị quân đội ngay lập tức kiểm kê vũ khí và quân trang mà Campuchia đang có. Toàn bộ vũ khí và quân trang Mỹ nếu có phải được thu hồi, niêm cất trong kho hoặc tiêu hủy", ông thông báo trên Facebook.
Bất chấp một loạt dấu hiệu căng thẳng, John Blaxland, giáo sư an ninh quốc tế và nghiên cứu tình báo tại Đại học Quốc gia Australia, đánh giá Mỹ và Campuchia vẫn có cơ hội cải thiện quan hệ trong tương lai.
Ông chỉ ra rằng Hun Manet, con trai cả của Hun Sen và được Thủ tướng Campuchia đưa vào danh sách ứng viên tiềm năng kế nhiệm ông, có khả năng đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện quan hệ giữa Washington và Phnom Penh. Đại tướng 44 tuổi này là tư lệnh lục quân kiêm phó tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia, từng học tại trường quân sự West Point của Mỹ.
Trong khi đó, cựu chính trị gia Campuchia Sothirak đánh giá cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ đặt ra nhiều thách thức cho Campuchia cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực.
"Mỹ nên tránh cách tiếp cận một mất một còn khi chứng tỏ họ là đối thủ chiến lược của Trung Quốc. Điều này chỉ dẫn đến những chính sách quyết liệt hơn của Bắc Kinh tại khu vực. Họ cũng nên ngừng điều chỉnh chính sách với Phnom Penh theo mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh", ông nêu ý kiến.
"Trong khi đó, Campuchia nên duy trì tính trung lập bằng cách không đứng về phía bất kỳ cường quốc nào, hoặc có những động thái gây hoài nghi", Sothirak cho hay.
Ánh Ngọc (Theo Konrad Adenauer Foundation, SMH)