Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/12 thêm Campuchia vào danh sách các quốc gia cấm xuất khẩu vũ khí. "Campuchia tiếp tục cho phép Trung Quốc mở rộng hiện diện quân sự và xây dựng các cơ sở riêng trên vịnh Thái Lan", theo hồ sơ được Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển cho Văn phòng Đăng ký Liên bang.
Chưa rõ tác động từ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Mỹ đối với Campuchia. Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) cho biết Mỹ không phải bên cung cấp vũ khí cho Campuchia. Hồi tháng trước, Mỹ trừng phạt hai tướng quân đội Campuchia với cáo buộc "trục lợi từ dự án xây dựng căn cứ hải quân Ream".
Bộ Thương mại Mỹ cũng ban hành hạn chế xuất khẩu mới đối với Campuchia. Quyết định này sẽ hạn chế Campuchia tiếp cận các mặt hàng lưỡng dụng có thể sử dụng trong dân sự và quân sự, cùng các mặt hàng quân sự và dịch vụ quốc phòng ít nhạy cảm.
Trong thông cáo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kêu gọi Campuchia "giải quyết vấn đề tham nhũng, vi phạm nhân quyền, đồng thời hành động để giảm ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc ở Campuchia, vốn đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu".
Giới chức Campuchia chưa bình luận về thông tin này. Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và hạn chế xuất khẩu được Mỹ công bố trước khi cố vấn Bộ Ngoại giao Derek Chollet lên đường tới thăm Campuchia.
Campuchia năm ngoái thông báo họ đã phá dỡ một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream, sau đó thông báo Trung Quốc hỗ trợ hiện đại hóa và mở rộng căn cứ này. Mỹ cho biết Campuchia năm 2019 từ chối đề nghị sửa chữa căn cứ của Washington.
Mỹ hồi tháng 10 cáo buộc Campuchia "thiếu minh bạch" về hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream. Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại về hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây.
Bộ Quốc phòng Campuchia hồi tháng 6 kêu gọi phía Mỹ "ngừng tạo ra các tình huống mới gây tiêu cực, yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền và bí mật quân sự của Campuchia".
Sau khi Mỹ trừng phạt hai tướng quân đội Campuchia, phát ngôn viên chính phủ Phay Siphan ngày 11/11 nói "các biện pháp trừng phạt do chính phủ Mỹ đơn phương đưa ra và quyết định của họ không dựa trên pháp quyền, đó là hành vi bất công với Campuchia". Phay Siphan nói quyết định của Mỹ "mang động cơ chính trị".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)