Ông Tần Cương, 57 tuổi, trở thành ngoại trưởng trẻ nhất Trung Quốc khi được quốc hội Trung Quốc bổ nhiệm ngày 30/12/2022, thay thế người tiền nhiệm Vương Nghị. Ông Vương, 69 tuổi, được bầu vào vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách hoạt động đối ngoại của nước này.
Ông Tần Cương khi đó được kỳ vọng là nhân tố quan trọng giúp giải quyết loạt nhiệm vụ cấp bách trong lĩnh vực ngoại giao, từ quan hệ Mỹ - Trung đến hợp tác giữa Bắc Kinh và Moskva.
Tuy nhiên, chỉ 7 tháng sau, ông trở thành ngoại trưởng tại nhiệm ngắn nhất lịch sử Trung Quốc, khi quốc hội ngày 25/7 quyết định miễn nhiệm ông. Vị trí ngoại trưởng giờ đây được giao lại cho ông Vương Nghị.
Ông Tần từng có sự nghiệp thăng hoa tại Bộ Ngoại giao, nhưng quyết định miễn nhiệm nhiều khả năng sẽ chấm dứt con đường thăng tiến của ông, khi chưa kịp để lại nhiều dấu ấn ở cương vị người đứng đầu.
Ông Tần sinh năm 1966 tại thành phố Thiên Tân. Ông theo học ngành chính trị quốc tế tại Đại học Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh, một trong những trường danh giá nhất Trung Quốc cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp ngoại giao.
Ông trở thành nhân viên Bộ Ngoại giao năm 1988, được biệt phái làm việc cho văn phòng Bắc Kinh của hãng thông tấn Mỹ United Press International trong thời gian ngắn. Thời điểm đó, các hãng tin nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc không thể tuyển dụng trực tiếp công dân nước này, mà tiếp nhận nhân viên biệt phái của chính quyền sở tại.
Với tiếng Anh lưu loát, ông đã có hai nhiệm kỳ công tác tại đại sứ quán Trung Quốc ở London vào những năm 2000, trau dồi chuyên môn về các vấn đề Tây Âu.
Tần Cương là người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong hai nhiệm kỳ từ năm 2006 đến 2014. Cách trả lời quyết liệt của ông trước những câu hỏi từ các phóng viên nước ngoài được coi là nét đặc trưng cho chính sách ngoại giao "chiến lang" của nước này.
Chính sách này đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao "chiến lang" thường có phong cách quyết liệt trong các phát biểu, bài đăng mạng xã hội, trả lời báo chí, truyền hình và cả trên bàn đàm phán. Tạp chí Diplomat từng mô tả ông Tần là "một trong những người nổi tiếng đầu tiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc" vì những phát biểu ấn tượng.
Từ năm 2014 đến 2018, ông trở thành vụ trưởng Vụ Lễ tân, thường xuyên tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong các chuyến công du thế giới cũng như trong các cuộc gặp lãnh đạo nước ngoài, được đánh giá là phụ tá đáng tin cậy.
Khi ông Tập thăm Mỹ hồi năm 2015, Tần Cương cho thấy ông là một người "sẵn sàng cứng rắn mà không do dự khi cảm thấy cần thiết", Ryan Hass, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận xét.
"Ông Tần rất chú ý đến việc lãnh đạo của ông ấy được thể hiện hình ảnh như thế nào, cũng như thông điệp mà hình ảnh đó sẽ truyền đi", Hass nói thêm.
Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng ngoại giao trước khi đảm nhận vai trò đại sứ tại Mỹ vào tháng 7/2021. Khác với nhiều đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Tần chưa có kinh nghiệm làm việc với Washington và cũng chưa từng được cử đến Mỹ làm nhiệm vụ trước đó.
Trong thời gian ngắn công tác tại Mỹ, ông đã đi khắp đất nước, thăm những người nông dân và trò chuyện với cả tỷ phú công nghệ Elon Musk. Khi đến Washington, ông đã duy trì một giọng điệu hòa giải, nói với các phóng viên rằng "cánh cửa quan hệ Mỹ - Trung vốn luôn mở, không hề đóng lại".
Sau khi trở thành ngoại trưởng, các bình luận của ông Tần về những vấn đề nóng như Đài Loan, quan hệ Nga - Trung không khác biệt đáng kể so với người tiền nhiệm. Ông đã đến thăm một số quốc gia châu Phi hồi tháng 1 và châu Âu hồi tháng 5, thúc đẩy lời kêu gọi chấm dứt chiến sự Ukraine.
Trong bài bình luận đăng trên tạp chí National Interest của Mỹ cuối năm 2022, ông Tần đã đưa ra quan điểm về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, tái khẳng định quan hệ Mỹ - Trung không phải "trò chơi kẻ được, người mất". Ông cũng đã có cuộc gặp dài hơn 5 giờ và dùng bữa tối với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh hồi tháng 6 trong nỗ lực ổn định quan hệ song phương.
Tuy nhiên, ông chưa ghi được nhiều dấu ấn trên trường quốc tế và chưa có những chuyến công du đáng chú ý để thúc đẩy chính sách đối ngoại của đất nước.
Ông Tần bỗng nhiên không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 25/6, sau khi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko ở thủ đô Bắc Kinh, bỏ lỡ một loạt sự kiện đối ngoại quan trọng vốn có thể giúp ông thể hiện năng lực của mình.
Ông không tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 tại Jakarta, Indonesia với các hoạt động cấp ngoại trưởng của ASEAN với các đối tác. Ông Vương Nghị khi đó dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó giải thích rằng ông Tần "có vấn đề về sức khỏe". Bắc Kinh cũng khẳng định "mọi hoạt động ngoại giao vẫn diễn ra ổn định" ngay cả khi ông Tần vắng mặt.
Thông báo sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc hôm nay không đưa ra giải thích nào về quyết định miễn nhiệm ông Tần. Ông mất chức khi quan hệ Mỹ - Trung vẫn căng thẳng trên nhiều khía cạnh và chưa có bất cứ động thái thực chất nào cho thấy tình hình sẽ cải thiện.
Theo thông tin trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần đã kết hôn và có một người con trai.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)