Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết, Quản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, trong bối cảnh cả nước vào mùa mưa, nhiều nơi gặp bão. Những đợt mưa giông kết hợp triều cường dâng cao gây ngập úng nhiều nơi, khiến virus, vi khuẩn hoạt động mạnh, lây truyền 6 bệnh dưới đây:
Tả
Tả là bệnh nhiễm trùng hệ tiêu hóa do nhiễm phẩy khuẩn tả. Mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể người thông qua nước uống hoặc thức ăn nhiễm bẩn trong quá trình chế biến không đảm bảo hoặc bị ruồi, nhặng mang vi khuẩn tả bám vào.
Đa số bệnh nhân tả có biểu hiện nhẹ, tương tự tiêu chảy thông thường. Khoảng 10% sẽ có triệu chứng nặng và tử vong như biểu hiện mất nước nặng, đe dọa tính mạng: da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, hôn mê...
Để phòng bệnh, người dân nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, ăn chín uống sôi. Ở những nơi có nguồn nước ô nhiễm, người lớn, trẻ em nên hạn chế ăn rau sống, hoa quả phải được gọt vỏ, rửa kỹ.
Người dân nên uống vaccine tả nếu sinh sống trong môi trường nước bị ô nhiễm, nguy cơ mắc bệnh cao. Lịch uống vaccine tả gồm hai liều cách nhau 14 ngày, nhắc lại mỗi hai năm hoặc trước mỗi mùa dịch tả. Vaccine tả có hiệu quả phòng 80-90% nguy cơ mắc tiêu chảy vừa và nặng.
Thương hàn
Bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella gây nên. Có hai đường chính lây nhiễm bệnh gồm: ăn thực phẩm, uống nước bị ô nhiễm, không được nấu sôi, nấu chín; tiếp xúc bệnh nhân, người mang trùng qua chất thải, tay chân, đồ dùng.
Thương hàn có tỷ lệ tử vong 1-4% dù được điều trị. Biểu hiện bệnh gồm sốt cao kéo dài, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, táo bón và tiêu chảy...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2019 thế giới có 9 triệu người mắc và 110.000 người tử vong vì thương hàn. Tại Việt Nam, thương hàn xuất hiện khắp các tỉnh thành và có chiều hướng tăng lên ở khu vực phía Nam khi vào mùa mưa.
Bệnh có thể phòng tránh được bằng cách sử dụng thực phẩm và nước uống sạch, ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Môi trường, cống rãnh nên được vệ sinh, làm sạch, thu gom xử lý rác thải, chất thải đúng quy định.
Bên cạnh đó, người dân có thể tiêm vaccine để dự phòng. Mũi tiêm có khả năng bảo vệ hơn 87% khỏi mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm.
Tiêu chảy cấp do virus rota
Có nhiều tác nhân gây tiêu chảy cấp, trong đó rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong mưa lũ, mầm bệnh có thể lây nhiễm thông qua môi trường nước ngập hoặc tiếp xúc mầm bệnh ở bàn tay rồi đưa lên miệng, tạo điều kiện cho virus xâm nhập đường tiêu hóa.
Trẻ bị bệnh sẽ có triệu chứng tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân tóe nước, chứa nhớt kèm nôn ói nhiều, mất nước. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây mất cân bằng điện giải, suy thận cấp. Người lớn có thể bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc gần với một trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh và thường có triệu chứng nhẹ hơn.
Theo bác sĩ Thuyết, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là sử dụng vaccine. Hiệu quả đáp ứng miễn dịch, hình thành kháng thể sau khi uống đủ liều khoảng trên 80%. Hiện vaccine chỉ định cho trẻ nhỏ, bắt đầu sớm từ 6 tuần tuổi, kết thúc trước 8 tháng tuổi.
Viêm gan A
Virus viêm gan A gây nhiễm trùng gan, diễn biến từ vài tuần đến vài tháng. Người nhiễm virus này có thể bị giảm chức năng gan và xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, đau cơ...
Khoảng 10% người bệnh có thể diễn tiến suy gan tối cấp, hôn mê sâu, tử vong. Nguy cơ trở nặng cao hơn với nhóm mắc bệnh nền mạn tính như tiểu đường, suy tim, thiếu máu, tăng huyết áp.
Bệnh lây nhiễm qua ba đường: ăn thức ăn, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh; uống nước, bơi lội trong ao hồ, bể bơi chứa mầm bệnh; sử dụng chung thức ăn, đồ dùng sinh hoạt cá nhân với người bệnh như vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu...
Viêm gan A chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Cách phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và tiêm vaccine. Hiện Việt Nam đang có vaccine phòng viêm gan A đơn hoặc kết hợp viêm gan A-B trong một mũi tiêm, chủng ngừa cho trẻ từ 12 tháng tuổi.
Kiết lỵ
Kiết lỵ do nhiều tác nhân gây ra như Shigella, Salmonella, Campylobacter, E.Coli... Bệnh lây truyền do uống nguồn nước hoặc thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hoặc bơi lội trong nước bẩn.
Người mắc kiết lỵ sẽ bị tiêu chảy dữ dội kèm theo máu, chất nhầy trong phân, buồn nôn, nôn mửa và mất nước. Bệnh có thể đe dọa tính mạng.
Các biện pháp phòng ngừa gồm: rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, không sử dụng nước đá ở các hàng quán, không ăn thức ăn bán hàng rong không đảm bảo vệ sinh, ăn trái cây gọt vỏ.
Ghẻ
Đây là bệnh ngoài da thường gặp do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei. Trong điều kiện vệ sinh kém, ký sinh trùng sinh sôi nảy nở, lan truyền rất nhanh. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt.
Ghẻ lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu có trứng ghẻ hoặc cái ghẻ.
Bệnh không có vaccine. Người dân phòng ngừa bằng cách cần tắm rửa ngay bằng nước sạch sau khi tiếp xúc nước bẩn, đặc biệt những vùng dễ đọng nước như kẽ ngón chân, ngón tay. Giặt quần áo, ga, gối bằng cách luộc hoặc phơi nắng để đảm bảo vệ sinh.
Mộc Thảo
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây.